BlackBerry từng giữ vị trí số một ở mảng điện thoại thông minh, các smartphone của hãng đã tạo ra trào lưu cho giới doanh nhân và giải pháp thông minh cho doanh nghiệp. Trong giai đoạn 2007-2008, đã có lúc giá cổ phiếu của BlackBerry lên đến 236 USD, giá trị thị trường đạt 48 tỷ USD. BlackBerry trở thành một biểu tượng trong làng di động, và việc sử dụng smartphone BlackBerry đã trở thành một phong cách, một thứ "tôn giáo" công nghệ thu hút được nhiều tín đồ trên toàn thế giới.
Bàn phím QWERTY từng là thương hiệu của BlackBerry giờ trở nên lỗi thời
Tuy nhiên, cũng trong năm 2007, sự xuất hiện của iPhone và sự chậm thay đổi của BlackBerry đã khiến cục diện đổi chiều. Thay vì dè chừng đối thủ, BlackBerry phớt lờ và vẫn chỉ hướng sản phẩm của mình đến giới doanh nhân. Để rồi hai năm sau, khi Apple lãi khủng nhờ iPhone và kho ứng dụng App Store, BlackBerry mới nhận ra được sự thay đổi trong thị hiếu người tiêu dùng.
Cả người dùng thông thường và giới doanh nhân đều cần một chiếc điện thoại có thể giải trí và hỗ trợ công việc, trong khi những chiếc BlackBerry thời điểm đó không thể đáp ứng cả hai nhu cầu trên một cách toàn vẹn như iPhone. Hãng loay hoay tìm cách đổi mới nhưng đã muộn. Năm 2009, giá cổ phiếu của BlackBerry đã xuống đến mức dưới 50 USD, giảm gấp 5 lần chỉ sau 2 năm.
Không chỉ mất sức cạnh tranh với iPhone, BlackBerry cũng không thể sánh kịp với sự phát triển thần tốc của Android. Với vị thế của một ông lớn, Google đã nhanh chóng đưa nền tảng Android trở thành một hệ điều hành di động phổ biến nhất thế giới. Với tính "mở" của mình, Android thu hút nhiều nhà sản xuất điện thoại tham gia phát triển như Samsung, HTC, LG, Huawei, ZTE,... "Mãnh hổ nan địch quần hồ", BlackBerry bị đánh tụt xuống vị trí thứ ba, và rồi thứ tư, sau khi bị Windows Phone tươi mới, trẻ trung vượt mặt.
Kể từ đó, BlackBerry trượt dài trong khủng hoảng. Năm 2013, cổ phiếu của BlackBerry đã giảm hơn 19% . Giá trị thị trường của công ty đã giảm xuống còn 4,8 tỉ USD, chỉ bằng 1/10 so với thời hoàng kim năm 2008.
Sau nhiều ồn ào, hệ điều hành BlackBerry 10 cũng đã xuất hiện vào đầu năm 2013 với kì vọng vực dậy một cựu hoàng. Nền tảng mới được các lập trình viên và các chuyên gia công nghệ đánh giá cao nhờ những cải tiến vượt bậc. Tuy nhiên, phản ứng từ thị trường đã nói lên tất cả. Trong quý I/2013, chỉ vỏn vẹn một triệu chiếc smartphonesử dụng hệ điều hành BlackBerry 10 được tiêu thụ trên toàn cầu.
Thị phần toàn cầu của BlackBerry hiện tại chỉ xếp trên những nền tảng lỗi thời
BlackBerry đã đánh mất vị trí thứ ba vào tay Windows Phone. Hiện tại, hãng chỉ còn 2,7% thị phần so với 3,3% từ nền tảng của Microsoft. BlackBerry chỉ còn giữ được vị trí thứ ba tại thị trường Mỹ, nhưng theo giới quan sát, việc Windows Phone vượt lên sẽ chỉ là còn là vấn đề thời gian. Giảm thị phần và doanh số ế ẩm, BlackBerry đã quyết định cắt xén 10% sản lượng điện thoại trong quý III, từ 5,5 triệu chiếc xuống còn 5 triệu chiếc.
Tháng 8 năm nay, hãng ra thông báo có thể "bán mình" hoặc tìm cách hợp tác với nhà sản xuất khác. Giới quan sát nhận định rằng, chỉ có những nhà sản xuất điện thoại đến từ Trung Quốc mới để mắt đến BlackBerry. Bởi lẽ, những khách hàng "sộp" ở phương Tây đều đã có những đồng minh riêng. Microsoft đã tác hợp với Nokia, còn Google lại đang vực dậy Motorola, Apple thì không có lý do gì để mua lại BlackBerry. Tương lai của hãng điện thoại Canada vẫn còn là một dấu hỏi lớn.
Tại Việt Nam, tình cảnh của BlackBerry cũng không khá hơn so với bình diện toàn cầu. Giá cao, chậm thay đổi mẫu mã và ít kênh phân phối chính hãng là những lí do khiến người tiêu dùng Việt Nam ngày càng rời xa BlackBerry.
Từ ba năm nay, do buôn bán ế ẩm, Anh Lê Mạnh Quân, chủ một cửa hàng điện thoại ở Quận 3 TP HCM, đã chuyển từ kinh doanh điện thoại BlackBerry sang những thiết bị xách tay của Apple. "Giá thuê mặt bằng cao, bán BlackBerry ít người mua nên mình phải chuyển sang bán những mẫu đắt khách hơn mới mong có lời", anh Quân cho biết.
Tại TP HCM, tại các cửa hàng từng bán chủ đạo BlackBerry trên đường 3/2 (Q10), Cao Thắng (Q3), người mua chỉ có thể tìm được những chiếc smartphone BlackBerry đã qua sử dụng hoặc hàng xách tay gần như mới. "Tôi chỉ nhập về vài mẫu máy rẻ, dễ bán như Bold 9900, 9000,…để cho có thôi chứ ít người hỏi lắm. Chủ yếu vẫn là bán iPhone và những dòng xách tay của Samsung, Sony", chị Hải Nguyên, một chủ cửa hàng, chia sẻ.
Người dùng VN đang dần quay lưng với BlackBerry
Lướt qua các trang mua sắm trực tuyến như Thế Giới Di Động, Viễn Thông A, Mai Nguyên,… điện thoại BlackBerry xếp sau rất nhiều những hãng khác trên thị trường như Samsung, Nokia, LG,...và sau cả những mẫu điện thoại giá rẻ đến từ Trung Quốc. Trong số những dòng điện thoại bán chạy trên thị trường Việt Nam, hãng điện thoại "Dâu đen" không có một đại diện nào góp mặt.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em, Giám đốc phát triển ngành hàng điện thoại công ty cổ phần Thế Giới Di Động cho biết, công ty đã ngưng kinh doanh smartphone BlackBerry từ hai tháng nay. Trong 6 tháng đầu năm, toàn hệ thống của Thế Giới Di Động chỉ bán được 209 máy/tháng. Nguyên nhân là do các mẫu smartphone của BlackBerry không có gì mới và giá cao.
Trong số những lý do kể trên, giá bán là rào cản lớn nhất khiến BlackBerry gặp khó ở thị trường Việt Nam. Thay vì bỏ ra số tiền 15,4 triệu đồng cho chiếc BlackBerry Q10, người dùng hoàn toàn có thể cân nhắc đến Galaxy S4, HTC One hay iPhone 5 xách tay với mức tương đương. Khách hãng cũng thay vì bỏ ra 11,6 triệu đồng để muaBlackBerry Z10, họ có thể chọn Galaxy SIII, Lumia 920 với giá chỉ còn 9,9 triệu đồng.
Ngài ra, số lượng ứng dụng đang là điểm yếu của BlackBerry. Những thế mạnh một thời của BlackBerry như độ bảo mật cao, nhắn tin BBM, push mail, bàn phím QWERTY đã không còn nhiều giá trị như trước. Để bảo mật, doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn iPhone, để nhắn tin miễn phí người dùng có thể sử dụng các ứng dụng OTTnhư Viber, Whatapps, Zalo,...và bàn phím cứng chỉ còn phù hợp với nhu cầu của một bộ phận nhỏ người tiêu dùng.
Theo người dân chơi BlackBerry tại Việt Nam, dòng di động này hiện chỉ nhắm tới một lượng khách hàng là sinh viên với các model cũ. Trong khi máy mới chỉ dành cho các tín đồ thực sự, yêu thích và sử dụng BlackBerry từ nhiều năm nay.
Thu Hằng