Theo Bloomberg, đất nước mặt trời mọc đang đẩy mạnh chiêu mộ sinh viên tới từ khu vực ASEAN nhằm tạo ra một “cây cầu nối” giữa Nhật Bản với các quốc gia Đông Nam Á trong tương lai.
Đông Nam Á là khu vực đầu tư trọng điểm của Nhật Bản, đồng thời được xem là nguồn cung cấp nhân lực chất lượng cao giá rẻ, thông qua các chương trình ưu đãi, trợ cấp học bổng học tập tại các trường đại học của Nhật Bản.
Việt Nam là một trong những quốc gia được ưu tiên nhiều nhất trong kế hoạch của Nhật Bản. Số lượng sinh viên Việt Nam học tập tại Nhật Bản tính cho tới tháng 5/2016 chạm ngưỡng 54.000, cao gấp 12 lần so với 6 năm trước đó, chiếm một phần tư sinh viên quốc tế và chỉ đứng sau Trung Quốc (41%).
Cả Nhật Bản lẫn Trung Quốc đều đang tìm cách đẩy mạnh ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Mức độ đầu tư của Tokyo lên khu vực này đang lớn dần lên những năm gần đây. Ngược lại, sự xuất hiện của Bắc Kinh lại giảm đi trông thấy trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chững lại.
Trong quá khứ, những nhà sản xuất từ đất nước mặt trời mọc tiếp cận Việt Nam vì một nguồn lao động dồi dào giá rẻ, nhưng quan niệm này đang dần thay đổi trong thời gian gần đây.
Nhiều năm qua, Nhật Bản liên tục giới thiệu những chương trình giúp đỡ và khuyến khích nhằm thu hút du học sinh từ ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Đơn cử như học bổng từ chính phủ Nhật Bản đã giúp hai con trai của chị Trần Thị Quỳnh My, một nhân viên ngân hàng được du học tại quốc gia này.
“Tôi chọn Nhật Bản vì chi phí rẻ hơn những đất nước khác trong khi vẫn có một hệ thống đào tạo giáo giục tốt”, chị My trả lời phỏng vấn Bloomberg. “Sau khi học ở Nhật Bản, con tôi sẽ có cơ hội tốt hơn để tìm kiếm việc làm khi trở về Việt Nam”.
Với tốc độ tăng trưởng hơn 6% trong năm 2016, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.”Các công ty Nhật Bản đang tăng cường đầu tư vào Đông Nam Á, nơi mà lợi tức hàng năm luôn có xu hướng tăng lên”, chuyên gia kinh tế Shinobu Kikuchi thuộc viện nghiên cứu Mizuho Research Institute phát biểu.
Những công ty hàng đầu Nhật Bản không ngần ngại đổ tiền vào khâu đào tạo nhân lực. Các tập đoàn công nghệ lớn như Mitsubishi, Toyota, Honda...hiện cấp rất nhiều học bổng cho các trường đại học lớn ở Việt Nam như Đại học Bách khoa hay Đại học Quốc gia.
Nhật Bản đang là đối tác trao đổi thương mại lớn thứ ba của Việt Nam sau Trung Quốc và Mỹ. Kim ngạch giao thương hàng hóa giữa hai nước tăng lên 30 tỷ USD trong năm 2016, gần gấp đôi mức 16,8 tỷ năm 2010. Chính phủ hai nước cũng đã đặt mục tiêu tăng con số này lên 60 tỷ USD trước năm 2020. Nhật Bản hiện là nhà đầu tư lớn thứ hai vào Việt Nam với 42,5 tỷ USD tính tới tháng 3 năm 2017.
Ông Itsuro Tsutsumi, giám đốc bộ phận du học sinh của Japan Studen Services Organization (Tổ chức phụ trách về tất cả các dịch vụ cho Sinh viên, bao gồm cả sinh viên Nhật Bản và sinh viên quốc tế) cho rằng sự hiện diện ngày càng rộng rãi của các công ty Nhật Bản đang khiến cho suy nghĩ của người dân Việt Nam thay đổi . Nhiều người hy vọng việc học tập ở đất nước mặt trời mọc sẽ được đền đáp bằng công việc thu nhập cao cho một tập đoàn Nhật Bản tại Việt Nam.
Võ Quyền