Mong muốn chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo của Singapore đang gặp phải những hạn chế về địa lý, Bloomberg cho biết. Nước này không có đủ không gian để lắp đặt các hệ thống quang năng cồng kềnh, không có các con sông lớn để xây các công trình thủy điện và sức gió ở đây nhỏ đến mức nó còn không đủ để làm một turbine gió hoạt động.
Điều đó đã buộc trung tâm tài chính và giao thông của Đông Nam Á phải phụ thuộc vào nhập khẩu để chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch.
Đó cũng là chiến lược chung cho những địa điểm nhỏ như Hồng Kông (Trung Quốc) ở châu Á, Monaco ở châu Âu và Bahrain ở Trung Đông. Tuy nhiên, chiến lược này còn phụ thuộc vào việc liệu các quốc gia lân cận có sẵn sàng xuất khẩu nguồn điện năng không phát thải carbon không.
Trở ngại trong quá trình chuyển đổi
Đối với Singapore, kế hoạch của nước này nhằm thu đủ năng lượng sạch từ nước ngoài để đáp ứng 30% nhu cầu điện nội địa vào năm 2035 đã gặp trở ngại.
Nước láng giềng Malaysia cuối năm ngoái đã ban hành lệnh cấm bán điện từ năng lượng tái tạo để ưu tiên các nỗ lực khử carbon của chính nước này. Điều này nhấn mạnh những rủi ro mà các quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu điện năng phải đối mặt.
“Mọi quốc gia trên thế giới đều nhận thấy nhu cầu về năng lượng tái tạo ngày càng tăng”, Tim Rockell, Giám đốc của Viện Năng lượng Toàn cầu tại Châu Á - Thái Bình Dương của KPMG, cho biết. Rockell là người đã tư vấn cho các cơ quan chính phủ trong khu vực về chính sách năng lượng.
“Và xuất khẩu năng lượng tái tạo không phải lúc nào cũng phù hợp về mặt chính trị”, ông cho biết.
Về tác động khí hậu tổng thể, việc cắt giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch diễn ra ở đâu không thực sự quan trọng. Nhưng trong một thế giới mà các quốc gia và doanh nghiệp sẽ ngày càng phải sử dụng chứng chỉ “xanh” của mình như một công cụ cạnh tranh, thì việc bị tụt lại phái sau trong xu hướng khử carbon này có thể khiến những nơi như Singapore gặp bất lợi khi thu hút cả nguồn vốn và nhân tài.
Tiểu quốc Monaco đang mua lại các dự án năng lượng tái tạo như quang điện và phong điện ở Pháp. Nhưng các chuyên gia cho rằng, không có gì đảm bảo rằng nguồn cung sẽ không bị gián đoạn.
Ở Trung Quốc, Hong Kong, hiện sản xuất dưới 1% điện năng từ năng lượng tái tạo, có thể buộc phải cạnh tranh về điện không phát thải carbon với các địa phương lớn hơn của nước này.
Ở Trung Đông, Bahrain đang xem xét phát triển hệ thống năng lượng mặt trời nổi, và cũng muốn nhập khẩu điện sạch từ các nước láng giềng.
Ngay cả các quốc gia và vùng lãnh thổ lớn hơn với mật độ dân số cao hơn cũng sẽ thấy quá trình chuyển đổi khó khăn hơn nhiều so với các “gã khổng lồ” như Trung Quốc. Nước này đang tiến hành vài ngày một lần bổ sung công suất năng lượng mặt trời tương đương với công suất của cả nước Singapore.
Hàn Quốc đang theo đuổi dự án điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới ở ngoài khơi bờ biển phía Tây Nam nước này.
Trong khi đó, ở Nhật Bản, việc thiếu không gian có thể buộc nước này phải xem xét phát triển thêm năng lượng hạt nhân ngay cả khi thảm họa Fukushima năm 2011 khiến nguồn năng lượng này vấp phải nhiều phản đối.
Các lò phản ứng hạt nhân quy mô nhỏ là một trong số ít các lựa chọn năng lượng carbon thấp sẵn có dành cho Singapore, mặc dù có những thách thức đối với cả công nghệ và việc xử lý chất thải nguyên tử.
Trăn trở với nhiều lựa chọn, thử nghiệm
Singapore đang "để ngỏ các lựa chọn" về năng lượng hạt nhân trong dài hạn, tùy thuộc vào cách thức công nghệ phát triển, Bloomberg dẫn lời Cơ quan Thị trường Năng lượng của nước này cho biết.
Ngay cả với các nguồn nhập khẩu, Singapore vẫn sẽ thiếu khả năng phát điện năng khử carbon và có thể phải theo đuổi năng lượng hạt nhân để chuyển đổi khỏi khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), Vijay Sirse, CEO của Destiny Energy Pte Ltd., một nhà tư vấn năng lượng sạch ở “đảo quốc sư tử”, cho biết.
Singapore, hiện đang sản xuất 95% điện năng từ khí đốt nhập khẩu, cũng sẽ bổ sung một số công suất quang điện, nhưng số công suất bổ sung cũng chỉ đủ để quang điện chiếm khoảng 4% trong cơ cấu năng lượng của nước này vào năm 2030.
Việc thiếu các lựa chọn sẵn có ở địa phương và vai trò quan trọng của ngành chế biến và kinh doanh nhiên liệu hóa thạch đối với nền kinh tế có thể là một trong những lý do tại sao đảo quốc này vẫn chưa đặt mục tiêu carbon ròng bằng 0.
Việc đặt mục tiêu như vậy đang được nghiên cứu "rất cẩn thận", Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong cho biết hồi tháng 12/2021. “Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng tất cả các chính sách mà chúng tôi có - cho dù đó là thuế carbon, cho dù nó có khử cacbon trong nguồn cung điện của chúng tôi hay không - tất cả đều phù hợp với mục tiêu cụ thể đó”.
Chính phủ Singapore đang hy vọng đáp ứng một phần nhu cầu năng lượng tái tạo của mình thông qua nhập khẩu từ Indonesia, với việc 2 tập đoàn Singapore đang nhắm tới các dự án xuất khẩu điện mặt trời từ quần đảo Indonesia.
Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng Indonesia sẽ duy trì xuất khẩu ổn định khi nhu cầu trong nước tăng lên, Rockell của KPMG cho biết.
Chuyến tàu thử nghiệm đầu tiên vận chuyển hydro lỏng đã rời Úc đến Nhật Bản vào tháng trước, và loại nhiên liệu này có khả năng giúp các quốc gia như Singapore “xanh hóa” cơ cấu năng lượng của mình, mặc dù vẫn còn những nghi ngờ về khả năng kinh tế và chứng chỉ carbon thấp của hydro lỏng.
Singapore đang tiến hành thử nghiệm nhập khẩu thủy điện từ Lào qua Thái Lan và Malaysia. Các cuộc đàm phán cũng đang được tiến hành về việc xây dựng một tuyến cáp dưới biển, có tên Sun Cable, để mang điện mặt trời từ Bắc Úc về Singapore.
Dự án Sun Cable là một ví dụ về mô hình "mua không xây dựng" sẽ ngày càng trở nên phổ biến đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ nhỏ bé như Singapore, Monaco và Hong Kong mặc dù vẫn có những thách thức nhất định, David Skilling, Giám đốc của Landfall Strategy Group, chuyên gia tư vấn cho các nền kinh tế nhỏ, tiên tiến, cho biết.
Minh Đức (Theo Bloomberg)