Ban lãnh đạo TikTok đang xem xét khả năng tách ra khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc nhằm giải quyết mối lo ngại của Mỹ về rủi ro an ninh quốc gia, hãng thông tấn Bloomberg đưa tin.
Ứng dụng chia sẻ video ngắn này đã chịu sự giám sát ngày càng tăng của các nhà lập pháp và cơ quan quản lý do những lo ngại về mối liên hệ giữa ByteDance với chính phủ Trung Quốc.
Việc thoái vốn có thể dẫn đến việc TikTok phải "bán mình" hoặc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Tuy nhiên đây được coi là phương sách cuối cùng, chỉ xảy ra nếu đề xuất hiện tại của công ty với các quan chức an ninh quốc gia Mỹ không được chấp thuận, Bloomberg trích dẫn những người quen thuộc với vấn đề này cho biết. Ngoài ra, giao dịch này cần có sự chấp thuận của chính phủ Trung Quốc.
TikTok và ByteDance vẫn chưa trả lời các yêu cầu bình luận về vấn đề này.
Những lo ngại về việc chính phủ Trung Quốc sử dụng TikTok để giám sát người Mỹ đã có từ thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhưng chúng trở nên đặc biệt mạnh mẽ sau khi các báo cáo tiết lộ Trung Quốc đã dùng TikTok để truy cập thông tin cá nhân của người dùng, bao gồm một số phóng viên Mỹ.
Các bang của Mỹ sau đó đã nhanh chóng cấm TikTok trên các thiết bị của chính phủ, trong khi Tổng thống Joe Biden ký một dự luật cấm TikTok trên hầu hết các thiết bị thuộc sở hữu của liên bang vào tháng 12/2022.
Các nhà lập pháp liên bang lo ngại rằng ứng dụng này có thể bị buộc phải chia sẻ dữ liệu với chính phủ Trung Quốc hoặc có thể bị Trung Quốc sử dụng như một công cụ gây ảnh hưởng. Do đó, họ đã đề xuất nhiều dự luật với sự ủng hộ của lưỡng đảng kêu gọi cấm hoặc bán ứng dụng chia sẻ video này, đồng nghĩa với việc tách ứng dụng này khỏi ByteDance.
Tuy nhiên, “Cả lệnh cấm TikTok hay việc thoái vốn TikTok khỏi ByteDance đều không giải quyết được những lo ngại về an ninh quốc gia về truyền dữ liệu”, theo người phát ngôn của TikTok Brooke Oberwetter.
“Theo Dự án Texas, chúng tôi sẽ lưu trữ dữ liệu người dùng TikTok ở Mỹ với tiêu chuẩn bảo mật cao hơn đáng kể so với bất kỳ công ty Mỹ nào khác”, bà Oberwetter khẳng định.
Nguyễn Tuyết (Theo Bloomberg, Forbes, TechinAsia)