Tại cuộc đấu giá ở New York, chiếc bát cổ ở Trung Quốc thế kỷ 15 gây chấn động sự kiện bởi mức giá lên tới 721.800 USD (gần 17 tỷ đồng).
Điều đáng ngạc nhiên, ông chủ chiếc bát chia sẻ, chiếc bát ăn này được mua với giá 35 USD (khoảng 700.000 đồng) ở một phiên chợ trời bán đồ cũ ở bang Connecticut.
Trước phiên đấu giá, chiếc bát được dự kiến sẽ được bán với giá 500.000 USD, nhưng nó đã vượt quá mong đợi khi đạt được mức giá cao nhất.
Người đàn ông may mắn đã đem nó tới cho các chuyên gia gốm sứ tại nhà đấu giá Sotheby's thẩm định món đồ, lúc đầu người này gửi hình ảnh chụp chiếc bát, sau đó đưa nó vào nhà đấu giá để xem xét kỹ hơn.
Chiếc bát sứ được xác định là bát sen từ thời triều đình của Hoàng đế Vĩnh Lạc (trị vì từ năm 1403 đến năm 1424). Hiện, chỉ có 6 chiếc bát sen khác từ cùng thời kỳ được biết là vẫn còn tồn tại.
"Chỉ có 6 chiếc bát khác như vậy được biết đến trên thế giới. Đó là một món đồ rất độc quyền. 5 trong số này nằm tại các viện bảo tàng ở Đài Loan, London và Tehran. Chiếc thứ 6 xuất hiện trên thị trường vào cuối năm 2007", Angela McAteer, người đứng đầu bộ phận thẩm định trả lời AFP.
Vào năm 2017, một chiếc bát cổ vốn để rửa bút lông từ thời Tống đã được bán tại phiên đấu giá Sotheby's.
Theo AFP, chiếc bát sứ có niên đại từ năm 960 đến năm 1127 đã được đấu giá với mức khởi điểm khoảng 10,2 triệu USD. Sau 20 phút đấu giá, chiếc bát thuộc về một người ra giá ẩn danh qua điện thoại. Sotheby's không tiết lộ người này có phải là một nhà sưu tầm Trung Quốc hay không.
Với đường kính 13 cm và men sáng màu xanh lam, cổ vật này là một ví dụ về đồ sứ cực quý của hoàng cung trong thời kỳ Bắc Tống và là một trong 4 mẫu vật hiếm hoi thuộc sở hữu tư nhân.
Kỷ lục giá cao của gốm sứ Trung Quốc trước đó thuộc về chén rượu sứ màu trắng trang trí hình cặp gà trống mái đang chăm con. Chiếc chén ra đời khoảng từ năm 1465 đến 1487 dưới thời hoàng đế Minh Hiến Tông được tỷ phú Trung Quốc Liu Yiqian mua với giá 36,05 triệu USD vào năm 2014.
Cổ vật Trung Quốc thất lạc khắp nơi trên thế giới. Theo các chuyên gia, kinh phí hạn chế là một trở ngại cho Trung Quốc trong việc mua lại cổ vật. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đã có những nỗ lực nhằm đưa các cổ vật từ nước ngoài về nước.
T.M (Nguồn AFP)