Lấy ý tưởng từ những vụ ấu dâm xảy ra liên tiếp trong thời gian dài, một trung tâm hướng dẫn kỹ năng sống cho trẻ em phối hợp cùng nữ nhiếp ảnh gia Dạ Miêu thực hiện, MC Công Tố và MC Minh Trang tham gia với vai trò giám đốc sáng tạo.
Tuy nhiên, trong bộ ảnh, 4 bé gái độ tuổi 8-12 tuổi được chọn vào vai những nạn nhân ấu dâm, tay ôm bụng bầu với khuôn mặt hoang mang và những giọt nước mắt sợ hãi.
Lẫn lộn ranh giới thực giả
Trao đổi về bộ ảnh Những đứa trẻ mang bầu, ThS. Trịnh Đăng Khoa, Phó Trưởng khoa Quản lý văn hóa nghệ thuật, đại học Văn hóa TP.Hồ Chí Minh bày tỏ: “Chỉ cần coi lướt qua những hình ảnh đó, tôi đã cảm thấy rất lăn tăn. Mặc dù trên một số bài dẫn, có câu “hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa” ở cuối, nhưng đây lại là hình ảnh thật, chứ không phải tranh vẽ.
Xét về mặt pháp lý, trong trường hợp này, sử dụng hình ảnh thật để minh họa không sai, nhưng những hình ảnh này lại có một vấn đề tế nhị, những người thực hiện đang bị lẫn lộn giữa cái thực và cái giả.
Bé gái là thật nhưng cái bụng bầu mà em mang là giả, để diễn cho một tấm hình. Có thể về mặt pháp lý, mặt tác quyền là không sai phạm. Tuy nhiên, mọi người đang phản ứng vì cảm thấy có vấn đề về mặt văn hóa".
Cụ thể, ông Khoa phân tích: “Thứ nhất, nếu đứa trẻ chỉ đang diễn xuất thì cần phải được hóa trang, không nhất thiết phải đưa “khơi khơi” gương mặt một cách trực diện và rõ nét như vậy, phải để bé gái đó không còn là chính bé gái đó.
Còn ở bộ ảnh này, những người thực hiện đã bị lẫn lộn, hòa trộn giữa hai thủ pháp đó, bị lầm tưởng, vừa đóng vai và vừa tả thực khiến người xem có thể lầm tưởng đó chính là những nạn nhân thật sự. Những hình ảnh lại nhằm mục đích truyền tải những thông điệp, được sử dụng như ảnh báo chí, tức là tả thực một con người, tả thực một câu chuyện.
Vì vậy, cộng đồng mạng khi tiếp xúc với những bức ảnh này, nếu đọc nội dung không kỹ, có thể sẽ “ngờ ngợ” những đứa trẻ kia chính là nạn nhân.
Xét ở góc độ văn hóa, nghệ thuật, những nhân vật này phải được hóa trang, bởi vì, nghệ thuật là sự mô phỏng, khái quát hiện thực dưới lăng kính của cái đẹp, để nói lên thông điệp qua trí tưởng tượng của người xem”.
Bộ ảnh thiếu tính nhân văn?
ThS. Trịnh Đăng Khoa một lần nữa nhấn mạnh: “Khi muốn đưa một vấn đề về mặt văn hóa tế nhị, muốn nhắc đến việc những đứa trẻ mang bầu ở tuổi vị thành niên, mà lại chường mặt các em ra, rất dễ gây lẫn lộn sự thật, dễ gây hiểu lầm. Vì vậy, lỗi chính là ở những người thực hiện, vì tác phẩm nghệ thuật này đang thiếu tính hình tượng hóa, vi phạm nguyên tắc, lột trần sự thật không thông qua lăng kính thẩm mỹ.
Nếu xét những bức ảnh đó dưới góc độ tác phẩm báo chí, thì cũng cần phải cân nhắc giá trị nhân văn trong một tác phẩm, dù đó là nạn nhân thật thì người ta cũng phải che mặt, giấu danh tính...”.
Ông bày tỏ sự băn khoăn trước những hình ảnh đó: “Bộ ảnh đã đưa những gương mặt thật, vì vậy cần xem xét lại tính nội dung tư tưởng và tính nhân văn. Tôi thực sự chưa hiểu vì sao gia đình lại đồng ý cho các con thực hiện bộ ảnh mà để những hình ảnh công khai như vậy, phản ánh một vấn nạn rất nặng nề trong xã hội, xét về góc độ văn hóa, nhân văn thì thực sự rất tội nghiệp cho những đứa trẻ này”.
“Nghệ thuật là sự sáng tạo, nghệ sỹ có quyền sáng tác, tuy nhiên, phải xác định rõ nội dung tư tưởng và cần có một nhân sinh quan, thế giới quan của nghệ sỹ, để hướng tác phẩm đến tính thẩm mỹ.
Nếu dư luận xã hội đang phản ứng nhiều, đặc biệt giữa bối cảnh, hệ tọa độ văn hóa Việt Nam không cho phép, thì việc học tập tư tưởng từ nước ngoài cũng cần hết sức lưu ý, nếu không phù hợp với hệ tọa độ văn hóa Việt Nam thì cũng sẽ không tạo ra được giá trị”, ông khẳng định.
ThS. Đỗ Nghiêm Thanh Phương, giảng viên khoa Công tác xã hội, đại học Sư phạm Hà Nội cũng cho rằng: “Một là bản thân các bé sẽ tổn thương phần nào khi hình ảnh được đưa công khai, lan tràn trên mạng xã hội, rất nhiều bạn bè đồng trang lứa có thể chưa hiểu chuyện lại hiểu lầm và trêu chọc các bé thì sao? Ở góc độ xã hội, tôi cho rằng bộ ảnh này không nên thể hiện như thế”.
“Thứ nhất, việc chụp ảnh trực diện và rõ nét gương mặt diễn viên nhí hoàn toàn không cần thiết, có thể chụp các góc tối và không rõ mặt nhân vật. Thứ hai, gương mặt của những em bé mang bầu lại tách rời dòng chữ cảnh báo trong ảnh. Kẻ xấu hoàn toàn có thể lợi dụng cắt rời những hình ảnh rồi đăng tải với nội dung và mục đích xấu. Chính vì thế, bộ ảnh vừa nhạy cảm lại chạm ngưỡng phản cảm”, giảng viên khoa Công tác xã hội, đại học Sư phạm Hà Nội bày tỏ lo lắng.
ThS. Đỗ Nghiêm Thanh Phương khẳng định: “Để làm về nạn xâm hại, lạm dụng tình dục ở trẻ em, còn có rất nhiều cách thể hiện khác, bản thân tôi cho rằng cách này không phù hợp lắm, vì còn phải xét đến tính nhân văn.
Bên cạnh đó, có thể còn xuất hiện những ảnh hưởng tiêu cực về mặt tâm lý sau khi thực hiện bộ ảnh. Sử dụng mẫu nhí để đóng vai mang bầu và vào vai những người bị xâm hại có ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của các bé khi các bé phải tưởng tượng và cảm nhận những nỗi đau của nạn nhân. Chính các bé mẫu nhí, trước khi đeo bụng bầu giả còn cảm thấy lo lắng và sợ hãi, phải có sự thuyết phục của mẹ mới có thể diễn hoàn thành bộ ảnh”.
Nhiếp ảnh gia Dũng Art: "Việc "chường" mặt các bé trong bộ ảnh Những đứa trẻ mang bầu phũ lắm"
Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, nhiếp ảnh gia Dũng Art cho hay: "Bộ ảnh Những đứa trẻ mang bầu có ý tưởng tốt, có tính nhân văn, cảnh báo cho các phụ huynh về những nguy cơ mà các bé có thể gặp phải. Tuy nhiên, tất cả những tấm ảnh đó lại công khai mặt các mẫu nhí tôi thấy không ổn, tấm nào cũng là hình ảnh bé gái hai tay ôm bụng bầu, lặp đi lặp lại nhàm lắm.
Nếu chỉ để một hình ảnh đắt giá nhất tác động đến người xem, còn hơn là để chục tấm các bé gái đứng “chường” mặt ra, trố mắt nhìn vào ống kính thế. Hình ảnh mang tính minh họa quá rõ ràng, hơi nhạy cảm với trẻ con. Nghệ thuật cần tính ẩn dụ. Mặc dù phụ huynh, các cháu đồng ý nhưng không nên làm như vậy”.
“Có thể chỉ cần chụp cái bụng của bé gái, hay chỉ cần chụp bóng của bé mang bầu thì có vẻ hợp lý hơn là hình ảnh trần trụi, công khai khuôn mặt như vậy. Tôi thấy việc “chường” mặt như vậy, quá phũ với các cháu bé. Cứ hai tay ôm bụng bầu thế cũng giải giải quyết được gì cả, nhìn buồn cười lắm...” - Nhiếp ảnh gia Dũng Art chia sẻ.
Lạc Thành