Được sự giúp sức của gia đình, ông đã giành thời gian mày mò nghiên cứu và bước đầu làm sống lại một nghề cũ đã thất truyền từ mấy trăm năm để giới thiệu với công chúng. Đó là ông Nguyễn Phước Diễn (58 tuổi), chủ doanh nghiệp tư nhân Vẽ tranh Pháp lam cung đình Huế (21/11 - Nguyễn Khuyến, TP.Huế).
Ông Diễn bên các sản phẩm Pháp lam của mình
Một Lòng Với Nghề
Ông Diễn chia sẻ: "Thú thật, đến bây giờ tôi vẫn còn run. Trước kia, khi tôi bỏ nghề bác sỹ đề theo tranh Pháp lam, bao nhiêu vốn của gia đình đều đổ vào đó cả. Nhiều người bảo tôi là điên, đang có công ăn việc làm ổn định, lao vào cái nghề ấy làm gì. Đó là việc của các nhà khoa học".
Nhưng khi càng ngắm những bức tranh Pháp lam Huế, thì ông càng cảm thấy xót xa trước sự thất truyền đáng tiếc của dòng tranh đặc biệt này. Thế nên, mặc dù đã lớn tuổi nhưng ông vẫn ngày đêm tầm sư học đạo tìm hiểu ở khắp nơi để tự tay tạo ra các sản phẩm này.
Đến nay, sau hơn 1 năm nghiên cứu ông không những đã tự vẽ được tranh Pháp lam mà cả gia đình ông đảm nhận mọi khâu trong quá trình hoàn thiện dòng tranh này để đưa ra thị trường.
Pháp lam là những sản phẩm được làm bằng đồng, trên bề mặt được tráng men trang trí để làm tăng giá trị thẩm mỹ.
Theo ông Diễn, đặc điểm nổi bật của dòng tranh này là có độ bền vĩnh viễn, không phai màu, kết hợp được trên các sản phẩm lưu niệm, nội ngoại thất với sắc màu phong phú, là loại vật liệu trang trí chỉ có duy nhất tại Huế nếu biết tận dụng phục chế thành công thì dòng tranh này hứa hẹn sẽ đem lại sự thay da đổi thịt cho ngành mỹ thuật Việt Nam.
Kỹ nghệ Pháp lam du nhập vào Việt Nam đầu thế kỷ 19, do vua Minh Mạng đưa một số công nhân sang học nghề chế tác ở Trung Quốc, xưởng Pháp lam đầu tiên ở nước ta được đặt tên là Pháp lam Tượng cục.
Tuy nhiên, đến thời vua Tự Đức thì dòng nghề này dần dần bị thất truyền hẳn do biến cố của lịch sử. Đến nay, mặc dù đã qua hàng trăm năm, chịu sự bào mòn phá hoại của chiến tranh và thời tiết, nhưng những tác phẩm Pháp lam trên các lăng tẩm, cung điện, các vật dụng trang trí của triều Nguyễn cho đến nay vẫn còn giữ được gần như nguyên vẹn như ban đầu vốn có.
Cũng theo ông Diễn, để đạt đến thăng hoa trong từng sản phẩm thì người thợ học Pháp lam phải có những vốn kiến thức nhất định không những trong hội họa mà còn cả về Vật lý, Toán, Hóa học, bởi nếu dù có tâm huyết với nghề thế nào mà không nắm vững kiến thức khoa học thì sẽ không bao giờ thành công trong dòng tranh khó tính này. Trung bình mỗi bức Pháp lam làm ra thường mất thời gian là 4 ngày.
Thời gian đầu, ông và gia đình cũng vấp phải không ít khó khăn, bởi chi cần một chi tiết sai coi như bức tranh ấy phải bỏ đi, nhưng càng thất bại ông càng quyết tâm, tác phẩm sau sẽ hoàn thiện hơn tác phẩm trước và rồi sẽ thành công. Đến nay, cả gia đình ông đã có một khu trưng bày, triễn lãm về tranh Pháp lam được cấp giấy chứng nhận kinh doanh và đây cũng là một trong những cơ sở kinh doanh Pháp lam đầu tiên tại Huế.
Nỗ lực và tâm huyết
Nét đặc trưng mà ông Diễn thể hiện chủ yếu trong dòng tranh Pháp lam của mình là những danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử nổi tiếng ở nước ta. Bởi theo ông, mục đích ban đầu của ông khi đến với nghề này là không nhằm mục đích kinh doanh mà để thể hiện niềm tự hào về lịch sử và địa lý Việt Nam qua từng bức tranh để nó được lưu truyền mãi với thời gian, cũng qua đó ghóp phần làm sống lại một dòng nghề truyền thống có giá trị của Huế đã bị thất lạc từ lâu.
Pháp lam Phố cổ
Ông cho biết, những sản phẩm của ông tuy chỉ mới được triển lãm gần đây, song đã nhận được đánh giá cao của các nhà chuyên môn về sự sáng tạo, tinh xảo hiếm có. Nhiều du khách trong nước và quốc tế cũng rất ưa thích dòng tranh này không chỉ bởi tính thẩm mỹ mà còn cả ở độ bền cao, không bao giờ bị phai màu, lại rất độc đáo và bắt mắt.
Ông Diễn tiết lộ: Tranh Pháp lam ở Huế mới chỉ dừng lại ở công đoạn là phục hồi những nét cổ xưa của các di tích lịch sử, mong muốn của ông là đưa được dòng tranh này vượt ra khỏi giới hạn ấy để đến gần với người dân và khách du lịch hơn.
Khởi đầu cho kế hoạch trên, sắp tới các sản phẩm Pháp lam của ông sẽ được triển lãm tại Festival làng nghề Huế 2011, ngoài ra ông còn sự định liên hệ với các tour du lịch để sản phẩm của mình được đến với công chúng một cách nhanh chóng nhất.
Tuy nhiên, quá trình phục dựng để tranh Pháp lam trở nên quen thuộc và phổ biến trên xã hội trước mắt cũng còn rất nhiều khó khăn: Đó là việc để tạo nên một sản phẩm Pháp lam đòi hỏi sự đầu tư cao về trình độ nghệ thuật cũng như công sức lao động, từ đó nó kén đối tượng khách hàng về mặt giá cả.
Mặc dù vậy, theo ông Diễn nếu được sự quan tâm hỗ trợ của nhà nước trong việc quảng bá sản phẩm, thì trong một tương lai không xa loại hình nghệ thuật dân tộc mới được phục sinh này không những sống lại mà còn trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Nguyễn Tiến Nhất