Bỏ bạc triệu “xơi” đặc sản... ma nơ canh

Bỏ bạc triệu “xơi” đặc sản... ma nơ canh

Thứ 5, 27/12/2012 23:49

Khi tê tê trở thành một món đặc sản ở các nhà hàng có giá xấp xỉ hàng triệu đồng/con thì công nghệ giúp loài này tăng trọng cũng nhanh chóng được phổ biến.

Công nghệ “bơm” tê tê!

Khệ nệ bê hũ rượu tê tê tự chế được ngâm cách đây 2 năm, T - một đầu nậu thuộc hàng nhất nhì về cung cấp mặt hàng tê tê ở Hà Nội sành điệu khoe: “Bất kỳ tay có tiền nào cũng hiếm khi được đặt tay vào hàng loại xịn này. Vì sao ư, đơn giản, đây là những chú tê tê nguyên bản, chưa bị… bơm”.

Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, đầu nậu này hé lộ, tê tê được vận chuyển về nơi tập kết bí mật của các chủ lớn để phân phối cho cơ sở. Công việc mua bán giống như một cái chợ thu nhỏ chỉ có điều không công khai.

Tê tê có nhiều loại: loại đuôi ngắn, đuôi dài, màu vàng, màu đen… Việc lựa chọn tê tê cũng cần những người rất thông thạo, có kinh nghiệm, phải chọn những con khỏe, không bị thương. Một tạ tê tê mua tại gốc có giá 270 triệu đồng, nhưng khi vận chuyển ra Hà Nội, mức giá sẽ cao hơn nhiều, thậm chí gấp đôi. Vì thế, muốn hưởng mức siêu lợi nhuận, các đầu nậu ở Hà Nội chỉ còn cách… bơm.

Xã hội - Bỏ bạc triệu “xơi” đặc sản... ma nơ canh

Tê tê được các đầu nậu vận chuyển bằng xế hộp đắt tiền.

Theo T., công nghệ bơm được thực hiện khá đơn giản: Người ta dùng hồ (nấu chín bằng bột gạo), giữ cho tê tê nằm ngửa, dùng bơm cho vòi vào trong cổ họng tê tê và bơm. Công việc khó khăn nhất là cho vòi vào cổ họng tê tê, cần sự chính xác tuyệt đối, nếu đút nhầm sang khí quản bơm hồ vào tê tê sẽ chết ngay, mất tiền triệu như chơi.

Sau khi bơm, con ít nhất cũng tăng được 2kg so với ban đầu. Con nặng nhất cũng thêm được 5kg. Nếu theo cách nhẩm tính của T. trung bình mỗi ngày, cách làm này cũng sinh lời vài chục triệu đồng cho cơ sở của mình. Và đương nhiên, kẻ cuối cùng chịu trận với những chú tê tê đã bị bơm chính là các “thượng đế” thích chơi đồ đặc sản ngay giữa Thủ đô.

Thực hư tác dụng “tráng dương” của tê tê?

Lực lượng Bộ đội biên phòng (BĐBP) đã từng bắt được nhiều vụ buôn bán trái phép tê tê, loài động vật quý hiếm. Tại khu vực cồn Vành, xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, Thái Bình, lực lượng tuần tra đồn BP 72 - BĐBP Thái Bình đã phát hiện, bắt giữ Nguyễn Mạnh Cường (SN 1981, quê ở Minh Tân - Đông Hưng - Thái Bình), Mai Văn Tuấn, (SN 1975 thường trú tại số nhà 16 - ngõ 43 - phố Lương Khánh Thiện - quận Hoàng Mai - Hà Nội) cùng Đậu Văn Ước (SN 1970 trú tại Lương Bằng - Kim Động - Hưng Yên) đang vận chuyển trái phép động vật hoang dã về Hà Nội tiêu thụ.

Tang vật thu được tại hiện trường gồm 12 cá thể tê tê còn sống, trọng lượng 60,7kg. Lực lượng BĐBP đã tiến hành lập biên bản tạm giữ tang vật và phương tiện vận chuyển (2 ô tô, trong đó 1 xe mang biển kiểm soát giả), hoàn chỉnh hồ sơ, bàn giao người, tang vật cho Chi cục Kiểm lâm Thái Bình và cơ quan chức năng tiếp tục xác minh làm rõ.

Tuy nhiên, đây chỉ là một trong rất nhiều vụ vận chuyển động vật quý hiếm trái phép được các thương lái đưa về Hà Nội. Theo một cán bộ Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, hiện tê tê đang trở thành một món hàng phổ biến nhất hiện nay vì mức siêu lợi nhuận của nó. Hàng từ Quảng Ninh về, Hải Phòng lên nhưng đáng chú ý là từ miền Trung, Nghệ An, Hà Tĩnh ra rất nhiều. Ước tính Hàng tấn tê tê được đưa từ biên giới nước Lào vào Việt Nam ở Cửa Khẩu Cầu Treo (Sơn Kim, Hương Sơn, Hà Tĩnh), mật phục chờ ngày về Hà Nội.

Trước đó, đầu năm 2009, Hải quan Việt Nam đã thu giữ tại cảng Cái Lân, Quảng Ninh 4.400 kg tê tê đông lạnh và 900kg vảy tê tê đã được đóng gói đang trên đường vận chuyển sang Trung Quốc. Số lượng tê tê trái phép này chủ yếu có nguồn gốc từ Malaysia và Indonesia, trung chuyển qua các nước vùng sông Mê Kông rồi ngược lên Trung Quốc. Tê tê là loài động vật bị buôn bán trái phép nhiều nhất ở khu vực Đông Á và các nước Đông Nam Aá́. Ước tính mỗi năm có khoảng 100.000 con tê tê bị buôn bán trái phép, chủ yếu phục vụ thị trường Trung Quốc.

Mặc khác, một điều rất đáng báo động với những người thích ăn tê tê vì lời đồn thổi về công dụng của nó. Trong Y học cổ truyền và trong Y văn không hề ghi thịt, vảy tê tê có tác dụng tăng lực hoặc giúp các ông gặp trục trặc về khoản “giường chiếu” được hồi phục "công lực". Nhưng do không đủ tỉnh táo trước những lời đồn thổi thái quá nên cánh nhà giàu vẫn mù quáng vung tiền.

Không chỉ lãng phí tiền bạc vô ích, trong nhiều trường hợp đám môn đồ của “xuyên sơn giáp” còn gây hại cho chính mình. Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam) âu lo: "Danh y Hải Thượng Lãn Ông đã viết, xuyên sơn giáp dùng chữa sốt rét, trị phong tê, trẻ con hay khóc, tiêu sưng vỡ mủ. Trong Nam dược thần hiệu, cụ Tuệ Tĩnh cũng chẳng có đoạn nào ghi thịt, máu, vảy tê tê giúp tráng dương bổ thận. Các cụ chỉ nhấn mạnh xuyên sơn giáp có tính hàn, có độc nên không được lạm dụng kẻo rước hậu họa. Vậy nhưng người ta vẫn ào ào tàn sát loài thú này không thương tiếc".

Tê tê là động vật bị đe dọa tuyệt chủng

Tê tê là động vật hoang dã, đặc điểm dễ nhận là toàn thân và đuôi (trừ bụng) phủ một lớp sừng, xếp thành nhiều hàng như ngói lợp, có thể cuộn tròn khi gặp nguy hiểm. Sách đỏ Việt Nam xếp tê tê vào nhóm động vật có mức độ đe dọa bậc V (bị đe dọa tuyệt chủng). Tê tê cũng nằm trong danh mục II của CITES (việc buôn bán phải được kiểm soát để tránh tình trạng bị đe dọa tuyệt chủng) và có tên trong nhóm nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng của Sách đỏ quốc tế (IUCN)...

Vương Trần


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.