Bố bại liệt, nữ sinh xứ Nghệ khó bước chân vào giảng đường

Bố bại liệt, nữ sinh xứ Nghệ khó bước chân vào giảng đường

Nguyễn Anh Ngọc

Nguyễn Anh Ngọc

Thứ 4, 16/08/2017 11:32

Đỗ vào trường học viện Tòa án nhưng do bố bại liệt 7 năm nay, mình mẹ nuôi 3 người con, nên ước mơ đến giảng đường của em Nguyễn Thị Thúy Nga trở nên quá xa vời.

Bố đi cày bị bò húc bại liệt 7 năm

Thấy khách bước vào, em Nguyễn Thị Thúy Nga (SN 1999), trú xóm 2, xã Khánh Sơn 2, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An nở nụ cười bước ra đón, thế nhưng trên khuôn mặt của thiếu nữ vừa tròn 18 tuổi vẫn phảng phất nỗi buồn man mác.

Xã hội - Bố bại liệt, nữ sinh xứ Nghệ khó bước chân vào giảng đường

Ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp của gia đình em Nguyễn Thị Thúy Nga.

Sau khi rót cốc nước giải nhiệt, Nga phân bua: “Mấy hôm nay gia đình em cứ xoay như chong chóng vì được tin em đỗ đại học. Hàng xóm láng giềng và bạn bè liên tục đến chúc mừng nhưng em chẳng vui cho được. Nhà chẳng có cơm ăn nữa là tiền cho em đi học, giờ em cũng chẳng biết phải làm như thế nào nữa”.

Nga kể, em là người con thứ 2 trong gia đình có 3 anh chị em. Người chị gái Nguyễn Thị Ngân (SN 1996) hiện đang là sinh viên năm cuối của trường đại học Kiểm sát Hà Nội, còn người em trai Nguyễn Văn Minh (SN 2004) hiện đang học lớp 8.

Xã hội - Bố bại liệt, nữ sinh xứ Nghệ khó bước chân vào giảng đường (Hình 2).

Nga muốn đến giảng đường nhưng lại sợ bố mẹ khổ.

Ngoài ra, gia đình em còn có ông bà nội hiện nay đều đã 90 tuổi. Kinh tế thuần nông, vì vậy dựa vào 8 sào ruộng chỉ đủ ăn chứ không đủ chi tiêu nên bố mẹ em phải làm thêm nhiều việc, ai kêu việc gì cũng đi làm.

Năm 2010, một tai họa bất ngờ đổ xuống gia đình, bố Nga bị hò húc nên mãi không thể nào đi lại được. Nga còn nhớ, một thời gian dài sau đó chỉ có 3 chị em ở với ông bà, còn mẹ thì đưa bố đi bệnh viện này đến trung tâm kia, chỗ nào nghe nói chữa được thì đều tới với hi vọng bố có thể đi lại được.

“Mẹ biết bố là chủ lực kinh tế gia đình, bố khỏe mạnh thì gia đình sẽ no ấm, nếu bố nằm một chỗ thì gia đình sẽ rất khó khăn. Vì thế mẹ đi vay mượn khắp nơi để có tiền chạy chữa cho bố, nhưng rồi chỗ nào cũng lắc đầu, mẹ đành đưa bố trở về nhà trong sự mệt mỏi và thất vọng. Lần ấy, mẹ ốm nằm bẹp một tuần. Đó là những kí ức không bao giờ em có thể quên”, Nga nhớ lại.

Đúng như mẹ Nga dự đoán, bởi sau đó gia đình em rơi vào cảnh vô cùng khó khăn, nợ nần chồng chất. Mọi công việc đều dồn vào đôi vai gầy của mẹ, 3 chị em Nga còn nhỏ tuổi nên chẳng giúp gì, đành tự bảo ban nhau cố gắng học hành và làm các công việc nhà khi rảnh rỗi.

Cũng chính vì vậy cả 3 chị em đều học rất giỏi, năm nào cũng đưa giấy khen về khoe bố mẹ. Ở trong ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, tài sản quý giá nhất là những giấy khen treo khắp nhà, từ làng trên đến xóm dưới đều phải khâm phục về sự hiếu thảo và chăm học của chị em Nga.

Con đỗ đại học, gia đình ngồi trên… đống lửa

Chị Nguyễn Thị Hồng (SN 1975, mẹ em Nga) cho biết, đáng lẽ việc Nga đỗ đại học là chuyện vui, nhưng chị chẳng thể nào cười nổi. Từ khi biết tin đến giờ, chị như ngồi trên đống lửa bởi không biết làm sao có tiền cho con đi Hà Nội nhập học.

“Thực ra, khi Nga đi xem điểm về thì 2 mẹ con đều òa khóc, cảm giác vô cùng hạnh phúc. Công sức 12 năm trời ôn luyện của con cuối cùng cũng có thành quả. Nhưng tối đó tôi nghĩ lại, người con đầu đi học gia đình đã lao đao rồi, giờ Nga cũng muốn đi học thì chúng tôi lấy tiền đâu. Bảo con bỏ học thì tôi không muốn, mà cho con đi ra nhập học thì…”, chị Hồng cho biết.

Trước việc tiến thoái lưỡng nan, mấy ngày nay chị Hồng luẩn quẩn ra vào, làm việc gì cũng như người mất hồn. Cuối cùng, chị đành xuống tâm sự cùng chồng, mặc dù bây giờ anh lúc tỉnh lúc mê, chỉ nằm một chỗ nhưng vẫn hiểu những gì chị nói. Nhưng dù tìm đủ mọi cách, anh chị vẫn thấy con đường vào đại học của con là quá xa vời.

Xã hội - Bố bại liệt, nữ sinh xứ Nghệ khó bước chân vào giảng đường (Hình 3).

Góc học tập của 3 chị em chẳng có gì ngoài giấy khen.

“Thực ra Nga cũng biết điều đó, nên sắp thi cháu có nói với tôi hay là bỏ học để đi làm, kiếm tiền giúp gia đình và giúp chị Ngân học đại học. Nhưng tôi nhất định không chịu, dù chúng tôi có nghèo khổ hơn nữa cũng sẽ không bao giờ cho con nghỉ học.

Chỉ có đi học mới thoát nghèo, đi làm chỉ kiếm được tiền trước mắt, nhưng sẽ giống với bố mẹ mãi không bao giờ thoát khỏi khó khăn được. Sợ con suy nghĩ quẩn, tôi đã phải động viên rất lâu”, chị Hồng chia sẻ.

Xã hội - Bố bại liệt, nữ sinh xứ Nghệ khó bước chân vào giảng đường (Hình 4).

Người bố của Nga bị bò húc phải nằm một chỗ 7 năm nay.

Ngoài ra, chị Hồng còn liên hệ với giáo viên chủ nhiệm của Nga nhờ phân tích cho con hiểu. Biết tin, ngay trước hôm thi, thầy giáo Từ Đức Toàn, trường THPT Nam Đàn 2, đã đến tận nhà nói chuyện với cô học trò nhỏ và hôm thi, thầy Toàn còn đích thân đưa Nga tới trường.

Kỳ thi THPT Quốc gia 2017, em Nguyễn Thị Thúy Nga đã xuất sắc đạt được 22,95 điểm. Trong đó, Toán 8,2; Vật lý 7,75; Hóa học 7. Nga rất vui mừng trước kết quả này, nhưng nỗi lo lắng cũng ập xuống rất nhanh. Bởi dù muốn đi học tiếp nhưng nghĩ đến hoàn cảnh của mình, em lại sợ hãi.

“Chị gái em học giỏi lắm, đỗ đại học thừa điểm bởi trước chị là học sinh giỏi tỉnh. Nhưng khi chị ra Hà Nội học, bố mẹ cũng chạy vạy gom góp mãi mới đưa được khoảng… 1 triệu đồng làm phí đi đường. Sau này để có tiền ăn học, chị ấy phải làm nhiều việc kiếm sống. Nhưng em nghĩ một mình chị mà bố mẹ đã khó khăn như vậy rồi, giờ nuôi thêm em học đại học sẽ khó khăn gấp bội. Em không muốn bố mẹ khổ”, Nga nói.

Xã hội - Bố bại liệt, nữ sinh xứ Nghệ khó bước chân vào giảng đường (Hình 5).

Ngoài giờ học, Nga tranh thủ làm công việc nhà giúp bố mẹ.

Thầy Từ Đức Toàn, giáo viên trường THPT Nam Đàn 2, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, thầy giáo chủ nhiệm em Nguyễn Thị Thúy Nga cho biết: “Em Nga có học lực khá, nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên ảnh hưởng đến việc học. Nếu gia đình em có điều kiện thì chắc chắn em sẽ học rất tốt, kết quả trong kỳ thi vừa qua là minh chứng rõ ràng nhất. Giờ tuy đỗ đại học nhưng việc em đến được giảng đường rất gian nan, nếu không có ý chí của bản thân và sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm”.

Mọi hỗ trợ xin gửi về:

Em Nguyễn Thị Thúy Nga

Địa chỉ: Xóm 2, xã Khánh Sơn 2, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. SĐT: 0165 702 89 39.

Hoặc:

Báo Đời sống & Pháp luật tại miền Trung

Số 03, Đại lộ Lê Nin, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An; ĐT/Fax: 038.8601010; Mobil: 0912329293

Số tài khoản: 0191012468008, Ngân hàng Bảo Việt Nghệ An; chủ tài khoản: Báo Đời sống & Pháp luật tại Miền Trung.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.