Sau khi có thông tin bộ GDĐT sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên, việc tuyển dụng sẽ theo chế độ hợp đồng “có vào - có ra” và giáo viên sẽ được hưởng chế độ đãi ngộ lớn đã tạo nên nhiều tranh cãi xung quanh việc này.
PV báo ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với PGS.TS, Nhà giáo Nhân dân Phạm Ngọc Trung (Nguyên trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền).
PGS.TS Trung cho rằng: “Để đào tạo được một giáo viên sẽ mất từ 2-3 năm. Khi ra trường chưa chắc họ sẽ đứng lớp được ngay mà còn phải mất một thời gian tập sự mới đáp ứng được yêu cầu và hoàn thành nhiệm vụ. Và hơn hết, lương của giáo viên chỉ được theo cấp bậc.
Mô hình hiện tại trong ngành giáo dục khiến giáo viên sẽ gắn bó hơn, họ yên tâm công tác và cống hiến. Bởi nếu giáo viên đang từ công chức viên chức mà chuyển xuống hợp đồng họ sẽ thấy cuộc sống của mình không ổn định, nhiều người sẽ xin nghỉ việc. Khi đó chúng ta lại đối mặt với việc thiếu lực lượng giảng dạy, nhất là hệ thống mầm non và tiểu học. Nhiệt huyết và niềm tin sẽ giảm, giáo viên không còn say mê với nghề”.
Cũng theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, khi bỏ công chức, viên chức giáo viên thì rất có thể nhiều trường học không còn được bao cấp như mô hình hiện tại thì nhà trường sẽ nghĩ ra nhiều cách biến tướng đi để thu thêm tiền của học sinh, sinh viên.
Không chỉ còn là học thêm dạy thêm mà khi ấy sẽ “đẻ” ra hàng trăm loại phụ phí khác như: Xây dựng trường học, lắp điều hòa, sửa chữa trường lớp, vườn cây… Phụ huynh học sinh có nhiều người không muốn theo nhưng họ buộc phải đóng tiền vì con họ đang học trong trường.
"Quả thực nếu như vậy thì việc bỏ công chức, viên chức sẽ chỉ làm cho gánh nặng đối với người dân", PGS.TS Trung nhận định.
"Nếu đời sống giáo viên khó khăn, trường lớp không ổn định học sinh sẽ thiệt thòi. Nên phải làm sao giữ được sự ổn định cũng như đảm bảo được chất lượng cuộc sống cho giáo viên”, PGS.TS Phạm Ngọc Trung kết luận.
Xem thêm:
Bỏ biên chế giáo viên: Thực hiện đúng luật không thí điểm giáo viên
Tiến Dũng