Viết những dòng này, con nhớ đến những thầy cô giáo cũ, những người mà bây giờ con vẫn gọi thầy, gọi cô, xưng con. Các thầy cô giờ đã già, có người đã về hưu, có người có lẽ đang lo sốt vó vì đề xuất bỏ biên chế.
Con nhớ những giờ văn học, cô không chỉ dạy chữ mà còn dạy cách làm người. Cô không chỉ dạy bài thơ mà truyền cho chúng con tình yêu vào văn chương, cuộc sống. Cô không chỉ giảng về nhân vật mà còn cho chúng con hiểu về phong cách sống, cách làm người.
Con thấy mình thật vất vả. Từ góc của con, con thấy làm giáo viên sao mà sướng, lúc nào cũng được sự nể trọng, được oai phong. Con không biết rằng, để đứng được trên bục giảng, các thầy cô đã trải qua những gì…
Là hàng chục năm không ngừng học hỏi, nghiên cứu.
Là hàng tháng trời lên đề cương, soạn giáo án.
Là hàng ngày thức khuya dậy sớm để “Sáng nào em đến lớp, đã thấy cô đến rồi”.
Là hàng giờ vượt qua những khó khăn, bức xúc của bản thân để “Đáp lời chào "cô ạ’", cô mỉm cười thật tươi”.
Là từng giây kiềm chế, uốn nắn, kiên nhẫn để rèn từng đứa trò nhỏ “nét chứ, nết người”.
Nhưng rồi, các thầy cô nhận lại những gì?
Giờ thì ngay những người đáng ra phải quan tâm đến thầy cô nhất - những vị đầu tàu của bộ GD&ĐT - đang khiến các thầy cô điêu đứng vì cải cách, đề xuất. Bỏ biên chế, rồi thầy cô của con sẽ ra sao?
Con hiểu, giáo viên, vì đặc thù công việc, vốn được biết đến là những người nhẫn nhịn, hiền lành, ít đấu tranh, nhận về mình phần thua thiệt. Ở đâu đó trong tính cách các nhà giáo, thầy cô vẫn giữ cho mình sự điềm tĩnh ánh màu cam chịu.
Nhưng con cũng biết rằng, các thầy cô sẽ không bao giờ thoả hiệp, vì các thầy cô vẫn luôn truyền dạy cho chúng con đứng về lẽ phải cùng với sự dũng cảm can trường.
Vì vậy, con vẫn luôn tin rằng các thầy cô sẽ có những phản hồi kịp thời cho lãnh đạo Bộ, để không bao giờ con phải nghĩ đến hình ảnh “con giun xéo lắm cũng quằn”.
Con thương thầy cô thật nhiều!
>>> Xem toàn bộ các ý kiến đóng góp tại đây:
Thưa Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, làm giáo dục đừng giống… đèn cù!
Thí điểm bỏ biên chế giáo viên
Đứa học trò nhỏ của thầy cô.
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)