Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Nghiên cứu kỹ, có lộ trình, bước đi cụ thể
Trước các ý kiến của ĐBQH về vấn đề thí điểm bỏ biên chế giáo viên, trong phiên thảo luận sáng nay, Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có phát biểu, giải trình làm rõ về vấn đề này.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu: "Muốn nâng cao chất lượng giáo dục phải có nguồn lực và động lực. Trong đó, động lực đối với giáo viên và quản lý nhà giáo hết sức quan trọng. Thực tế, với chế độ công chức, viên chức hiện nay bộc lộ nhiều bất cập. Bất cập rất rõ là trong tuyển dụng, đặc biệt là phổ thông, hiện chưa phù hợp với nhu cầu về môn học, đặc biệt chuyên môn, dẫn đến hiện tượng thừa thiếu cục bộ rất nhiều.
Thứ hai, về động lực, phần nhiều giáo viên có tâm lý là vào biên chế nên ổn định, rất khó khăn trong nâng cao kiến thức, đặc biệt là phẩm chất năng lực để đáp ứng nhu cầu đổi mới, dạy theo chương trình mới, dẫn đến chất lượng giáo dục chưa nâng cao.
Trên cơ sở đó, Bộ đặt vấn đề nghiên cứu đề xuất thí điểm chuyển dần từ công chức, viên chức sang hợp đồng lao động. Trước hết là thí điểm từ khu vực đại học và một số trường phổ thông có điều kiện, sau đó từng bước rút kinh nghiệm nhân rộng.
Chúng tôi cho rằng đối với khu vực giáo viên và quản lý nhà giáo phải được đặc biệt đổi mới vì đây là yếu tố quyết định nâng cao chất lượng giáo dục và phải có lộ trình từng bước thực hiện.
Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu đề xuất làm từng bước, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên qua đó thực hiện đổi mới Nghị quyết 29 đưa ra.
Đây là nhiệm vụ rất khó khăn nhưng không thể không làm. Điều quan trọng là nghiên cứu thật kỹ, có lộ trình, bước đi cụ thể, phù hợp với điều kiện tại các cơ sở và ổn định tâm lý của giáo viên".
>> Xem thêm toàn bộ các ý kiến:
Thí điểm bỏ biên chế giáo viên
Đỗ Thơm - Dương Thu (ghi)