Bố bổ nhiệm con, chồng bổ nhiệm vợ: Cần xem xét kỹ lưỡng

Bố bổ nhiệm con, chồng bổ nhiệm vợ: Cần xem xét kỹ lưỡng

Dương Thị Thu

Dương Thị Thu

Thứ 6, 14/10/2016 14:52

ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng, cần xem xét kỹ lưỡng việc bố bổ nhiệm con, chồng bổ nhiệm vợ, anh em một nhà cùng làm “quan huyện” vì dễ dẫn đến hiện tượng lợi dụng, chiếm đoạt quyền lực.

Bố bổ nhiệm con, chồng bổ nhiệm vợ, nhiều anh em người nhà cùng làm “quan huyện” đang là một trong những vấn đề nóng của dư luận xã hội. Giải pháp nào cho vấn đề này và nếu “đúng quy trình” nhưng dân bức xúc thì có nên thay đổi quy trình?

PV báo Người Đưa Tin có cuộc phỏng vấn đại biểu Quốc hội (ĐB) Lê Thanh Vân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, xung quanh vấn đề này.

Xã hội - Bố bổ nhiệm con, chồng bổ nhiệm vợ: Cần xem xét kỹ lưỡng

ĐB Lê Thanh Vân trong một lần trả lời phỏng vấn của báo Người Đưa Tin bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: Dương Thu).

- Cá nhân ông nhìn thấy vấn đề gì từ chuyện bổ nhiệm người nhà làm cấp phó của một số quan chức thời gian qua?

ĐB Lê Thanh Vân: Thời gian gần đây, báo chí phản ánh nhiều tình trạng bổ nhiệm người nhà cùng làm cán bộ lãnh đạo trong một cơ quan, đơn vị. Điều đó cho thấy dấu hiệu sự lạm dụng quyền lực ở một số cá nhân có tâm không trong sáng. Không chỉ đưa người nhà, còn có hiện tượng lôi kéo vây cánh vào làm cùng.

Đây là một hiện tượng đáng cảnh báo, bởi bổ nhiệm người nhà không đủ năng lực, phẩm chất là rất nguy hiểm.

-Đã có nhiều người suy nghĩ giống ông. Nhưng lạ một điều, sau khi báo chí, dư luận phản ánh, thông tin từ việc kiểm tra những vụ việc này thường có chung kết luận “đúng quy trình”. Ông có ý kiến như thế nào?

ĐB Lê Thanh Vân: Về cơ bản quy trình không sai, nhưng người sử dụng quy trình đã có thể bằng nhiều hình thức khác nhau để hợp thức hóa mọi việc theo quy trình, thông qua bàn tay của mình. 

Tôi được biết, trước đây, trong quá trình lập pháp, đã xây dựng luật “hồi tị” với nội dung nghiêm cấm người làm quan lấy vợ hay có quan hệ họ hàng ở địa phương mình quản lý.

Trong Luật Phòng chống tham nhũng hiện nay chưa quy định rõ việc không được bổ nhiệm anh em, người nhà, chỉ áp dụng với một số trường hợp, một số chức vụ. Do đó, tôi nghĩ cần kế thừa sâu sắc và cụ thể hơn nữa những nội dung tư tưởng từ luật “hồi tị” kể trên.

-Nhưng không loại trừ những trường hợp người nhà thực sự có tài, thưa ông?

ĐB Lê Thanh Vân: Tất nhiên, chúng ta không vì tránh người nhà mà bỏ qua người thực sự có tài năng, tâm huyết, đức độ. Dù vậy, tôi phải nói rõ, cần loại trừ hiện tượng dùng người nhà với mục tiêu hướng đến lợi ích nhóm. Lợi ích nhóm ở đây không chỉ là mục đích về kinh tế mà còn là quyền lực.

Tôi thấy trong luật pháp hiện hành chưa quy định rõ xử lý với những trường hợp tham nhũng quyền lực. Điều này cần phải xem xét nghiên cứu.

-Vậy theo ông, làm sao để chúng ta có một bộ máy người tài mà không bị chi phối bởi người nhà?

ĐB Lê Thanh Vân: Thứ nhất, tôi nghĩ cần nghiên cứu và ban hành các quy định chặt chẽ những trường hợp bổ nhiệm người thân, người trong gia đình, dòng họ cùng lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Thứ hai, cần thúc đẩy mạnh mẽ công tác luân chuyển cán bộ. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, tòa án, viện kiểm sát, thanh tra, thuế, công an… đều phải luân chuyển có kỳ hạn chứ không luân chuyển thời gian lâu năm rồi bám gốc bám rễ, tìm cách đưa người thân vào.

Thứ ba, phải có quy định trách nhiệm từng cá nhân, tổ chức liên quan đến việc bổ nhiệm. Người đề xuất nhân sự, cơ quan tham mưu về nhân sự cũng như tập thể, cá nhân quyết định nhân sự, nếu không đảm bảo đúng tiêu chí thực sự có tài, có đức thì phải truy cứu trách nhiệm đến từng người, từng tổ chức. Có như vậy mới ngăn chặn tình trạng lạm dụng quyền lực, mua quan bán tước trong bộ máy.

Thứ tư, phải đẩy mạnh cơ chế kiểm tra, giám sát. Cơ quan cấp trên phải thường xuyên kiểm tra cơ sở cấp dưới về công tác cán bộ, quy trình, tiêu chuẩn, chất lượng cán bộ. Đồng thời, có cơ chế đánh giá cán bộ theo thang điểm, đánh giá chất lượng cán bộ.

Mỗi người được bổ nhiệm cần giữ danh dự, liêm sỉ, nếu thấy năng lực hành vi của mình không tương xứng thì tự giác từ chức để người có tài, có đức xứng đáng hơn đảm nhiệm.

Có như vậy mới làm trong sạch bộ máy của chúng ta hiện nay.

-Việc bổ nhiệm người nhà cùng một cơ quan thời gian qua đã gây bức xúc dư luận. Theo ông, Bộ Nội vụ có cần bổ sung báo cáo về vấn đề này trước Quốc hội trong kỳ họp thứ 2 dự kiến khai mạc ngày 20/10 tới?

ĐB Lê Thanh Vân: Tôi nghĩ Chính phủ nên chủ động có báo cáo về tình trạng này trước Quốc hội trong kỳ họp thứ 2. Dù không báo cáo thì các đại biểu Quốc hội cũng sẽ chất vấn Bộ Nội vụ, vì đây là hiện tượng không hay, thiếu khách quan.

Nếu không có báo cáo trước Quốc hội, sẽ gây bức xúc trong nhân dân. Dư luận cho rằng, cứ con vua, con quan thì lại làm quan, còn dân thì không bao giờ tiếp cận được các vị trí lãnh đạo.

Bộ trưởng Nội vụ là người đứng đầu cơ quan tham mưu cho Chính phủ trong nhiều lĩnh vực, trong đó có mảng cán bộ công chức. Bộ Nội vụ có trách nhiệm kiểm tra, thẩm định các quy định, trình tự cho rạch ròi.

Vậy, với từng trường hợp thuộc trách nhiệm tham mưu thì Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm.

Còn với những trường hợp cấp dưới, các địa phương, đơn vị theo phân cấp thì trước hết, những người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra việc bổ nhiệm người nhà gây bức xúc dư luận, kể cả là đúng quy trình.

-Trân trọng cảm ơn ông!

Dương Thu (thực hiện)

 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.