Quy chế phát ngôn gồm có 9 điều, quy định về phạm vi, đối tượng điều chỉnh; người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
Theo Quyết định mới này, người phát ngôn cung cấp thông tin cho báo chí là bộ trưởng Bộ Công an, chánh văn phòng được bộ trưởng giao nhiệm vụ phát ngôn, thường xuyên cung cấp thông tin cho báo chí, gọi là người phát ngôn. Người phát ngôn phải được công bố bằng văn bản về tên tuổi, chức vụ, số điện thoại, hòm thư điện tử…
Trong trường hợp cần thiết, bộ trưởng có thể ủy quyền cho thứ trưởng, tổng cục trưởng, thủ trưởng cơ quan các đơn vị trực thuộc Bộ Công an, đây là người được ủy quyền phát ngôn. Người được ủy quyền chỉ áp dụng trong vụ việc cụ thể và thời hạn nhất định.
Một buổi họp báo công bố nguyên nhân gây cháy xe.
Cán bộ chiến sĩ CAND được quyền cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định của pháp luật và của ngành công an nhưng không được nhân danh đơn vị và nhân danh Bộ công an. Không được tiết lộ bí mật điều tra, bí mật công tác, tài liệu mật và những và công việc nội bộ của ngành công an. Trung thực khi cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước lãnh đạo, pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp. Cán bộ, chiến sĩ CA làm cộng tác viên cho các tờ báo phải báo cáo thủ trưởng đơn vị.
Về hình thức cung cấp thông tin cho báo chí là bằng văn bản hoặc thông tin trực tiếp tại buổi họp giao ban báo chí hàng tuần do Ban Tuyên giáo trung ương, Bộ Thông tin truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và trên cổng thông tin điện tử Bộ Công an.
Họp giao ban cung cấp thông tin cho báo chí định kỳ 3 tháng một lần, ngoài ra khi có sự kiện lớn quan trọng trong xã hội thuộc phạm vi quản lí nhà nước của Bộ Công an, cần thiết phải cung cấp thông tin cho báo chí để cảnh báo kịp thời, định hướng dư luận thì có thể phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí đột xuất bất thường.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 232/2004/QĐ-BCA (V11) ngày 17/3/2004 về việc “Ban hành Quy chế Người phát ngôn Bộ Công an”.
Băng Tâm