Mới đây, bộ Công an đãn có văn bản gửi Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cho biết đang xác minh một số dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc thực hiện dự án đầu tư liên doanh phát triển khai thác và nâng cấp dầu khí lô Junin 2, Venezuela, của Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) thuộc PVN.
Để phục vụ công tác điều tra xác minh, C03 đề nghị PVN cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc thực hiện dự án lô Junin2 của PVEP.
Qua đó, dư luận đặt nhiều câu hỏi về các dự án của PVN ở nước ngoài, đặc biệt là dự án đầu tư liên doanh phát triển khai thác và nâng cấp dầu khí lô Junin 2 kể trên.
Ngày 21/3, PVN đã đưa ra những lý giải về thuật ngữ "hoa hồng" trong các hợp đồng hàng triệu USD của các hợp đồng dầu khí do các đơn vị trong tập đoàn này thực hiện.
PVN cho biết, nhiều người đã hiểu sai về khoản tiền gọi là “Participant Bonus” hoặc “Signature Bonus” do cách hiểu chữ Bonus nghĩa là tiền thưởng (“tiền hoa hồng”) không đúng với bản chất của từ ngữ. Do cách hiểu và cách dịch có khác nhau nên mọi người dễ nghĩ đây là tiền “lại quả”.
Thực chất, khoản tiền này là khoản tiền mà nhà thầu phải trả cho nước chủ nhà khi ký hợp đồng dầu khí. Nói nôm na, khoản tiền này là khoản phải trả khi mua hồ sơ thầu, giá trị tùy thuộc vào giá trị tổng thể của gói hợp đồng.
"Có nghĩa là khi công ty dầu khí nước chủ nhà giao tài liệu cho ta thì ta phải trả tiền, khoản tiền này cũng như một loại tiền đặt cọc để buộc tham gia dự án. Đây là một thông lệ bình thường ở quốc tế. Các công ty nước ngoài vào Việt Nam khai thác dầu cũng phải trả khoản tiền này", PVN cho biết.
Lấy dẫn chứng dễ hiểu, BHP (Anh) đã phải trả quyền khai thác ở mỏ Đại Hùng 90 triệu USD, hoặc khi chúng ta liên doanh với phía Nga khai thác dầu ở mỏ Nhenhetxky thì cũng phải trả phí tham gia hợp đồng gần 100 triệu USD.
Còn trong dự án Junin 2 ở Venezuela đang được dư luận quan tâm, PVN thông tin, khoản tiền phí tham gia dự án này là 584 triệu đô và phải chuyển ngay 300 triệu đô theo quy định của Venezuela. "Không thể nào có chuyện chúng ta chuyển tiền cho Venezuela rồi họ lại cắt xén, chia chác, lại quả với nhà đầu tư Việt Nam" - tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhấn mạnh.
Còn ở Venezuela, Nga cũng phải chi cho PDVSA 1 tỷ USD tiền phí tham gia hợp đồng. Trung Quốc cũng đã chi 1 tỷ USD cho cái gọi là “hoa hồng chữ ký”…