Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, cục trưởng Cục cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Bộ Công an), trả lời báo chí vào ngày 19/3.
Theo đó, nếu chủ phương tiện cố tình không thực hiện chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định thì chủ xe mô tô, xe gắn máy sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) không dừng xe để kiểm soát, xử lý hành vi "Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định" đối với các phương tiện đang lưu thông trên đường.
Ông Tuyên cũng cho biết, việc xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định sẽ được thực hiện thông qua công tác đăng ký, cấp biển số; điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.
Kiên quyết phạt xe không chính chủ từ ngày 15/4/2013. |
Trong các trường hợp phương tiện vi phạm bị tạm giữ theo quy định và qua điều tra các vụ án hình sự, nếu phát hiện người mua, hoặc người bán không làm thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký xe theo quy định thì tiến hành xác minh, xác định rõ hành vi vi phạm. Sau đó cơ quan chức năng sẽ xử phạt đối với trường hợp quá thời gian 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ mua, bán xe nhưng chưa làm thủ tục sang tên di chuyển thay đổi đăng ký xe theo quy định.
Trước đó, vào chiều ngày 11/3, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã yêu cầu chưa đưa quy định xử phạt xe không chính chủ vào dự thảo nghị định lần 3.
"Trong quá trình thực hiện cho thấy tính khả thi không cao, có nguy cơ gây phiền hà cho người dân nên đề nghị không đưa vào dự thảo nghị định. Khi các cơ quan nghiên cứu về tính khả thi của các biện pháp xác minh nguồn gốc xe tốt hơn thì sẽ đưa quy định này vào nghị định", Bộ trưởng Thăng cho biết.
Tư lệnh ngành giao thông phân tích việc xác định nguồn gốc một chiếc xe chính chủ không dễ, dù Bộ Công an không yêu cầu chứng minh nguồn gốc, song người thực thi vẫn có thể gây phiền hà cho dân. Vì thế, việc xác minh xe chính chủ chưa thật thuận lợi thì chưa nên đưa quy định này vào để xử phạt. Nếu các bộ vẫn không đi đến đồng thuận được sẽ báo cáo Chính phủ cho biểu quyết.
Đồng quan điểm này, Vụ phó An toàn giao thông (Bộ GTVT) Lê Minh Châu chia sẻ: “Khi chúng tôi lấy ý kiến người dân, đa số không đồng thuận việc xử phạt phương tiện chưa sang tên đổi chủ. Do đó, tôi đề nghị không đưa quy định xử phạt vào dự thảo lần 3. Việc phạt không đóng phí bảo trì đường bộ, cũng đề xuất không đưa vào dự thảo mà nên chuyển sang lĩnh vực chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính”.
Bên cạnh đó, Vụ trưởng Pháp chế (Bộ GTVT) Trịnh Minh Hiền cũng cho rằng hành vi không sang tên đổi chủ là vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nhưng hệ thống văn bản chưa chuẩn nên tạm thời chưa đưa vào dự thảo xử phạt.
Theo Đất Việt