Theo cử tri tỉnh Bình Thuận, hàng năm, một lượng lớn kiều bào ở nước ngoài có tài chính, trình độ chuyên môn cao mong muốn được trở về Việt Nam để thăm thân, du lịch và tìm hiểu đầu tư kinh doanh.
"Do đó, cử tri kiến nghị có chính sách thông thoáng về chính sách xuất, nhập cảnh và các chính sách khác để thu hút lượng lớn kiều bào này về Việt Nam du lịch, đầu tư nhằm góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho du lịch Việt Nam với các nước trong khu vực", cử tri tỉnh Bình Thuận kiến nghị.
Về vấn đề này, Bộ Công an cho biết, các quy định hiện hành về xuất, nhập cảnh đã hoàn thiện theo hướng tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Cụ thể, ngày 24/6/2023, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật số 23/2023/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023).
Trong đó, có nhiều chính sách mới về cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài: Công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ có thể đề nghị cấp thị thực điện tử nhập cảnh nhiều lần, thời hạn đến 90 ngày (thủ tục hoàn toàn trên môi trường điện tử, thời hạn trả kết quả 3 ngày làm việc, không cần cơ quan bảo lãnh, không yêu cầu chứng minh tài chính) và nâng thời hạn tạm trú lên 45 ngày đối với người nước ngoài nhập cảnh theo diện miễn thị thực đơn phương.
Ngoài các quy định mới nêu trên, chính sách hiện hành tạo điều kiện cho kiều bào ở nước ngoài về nước được thực hiện theo Nghị định số 82/2015/NĐ-CP ngày 24/9/2015 của Chính phủ quy định về miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của công dân Việt Nam. Theo đó, miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và thân nhân là người nước ngoài với thời hạn tạm trú 6 tháng cho mỗi lần nhập cảnh, trường hợp có nhu cầu ở lại được xem xét gia hạn tạm trú đến 6 tháng.
Về các chính sách khác để thu hút kiều bào đầu tư về Việt Nam, công tác vận động kiều bào đầu tư về nước trong thời gian qua được chú trọng, đóng góp tích cực trong việc nâng cao uy tín, sự an toàn của môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích kiều bào về nước sinh sống, đầu tư và cống hiến cho đất nước.
Tuy không có chính sách ưu đãi đầu tư riêng cho nhà đầu tư là người Việt Nam ở nước ngoài (do vi phạm các cam kết về phân biệt đối xử mà Việt Nam là thành viên) nhưng theo quy định hiện hành thì nhà đầu tư là kiều bào vẫn có lợi thế hơn so với nhà đầu tư nước ngoài do họ có quyền lựa chọn áp dụng các điều kiện, thủ tục đầu tư như đối với nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, kể từ tháng 8/2023, Chính phủ đã triển khai mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam nhằm kêu gọi, khuyến khích các nhà đầu tư, chuyên gia, nhà khoa học, tri thức tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ về nước, làm việc, nghiên cứu cho các cơ quan, tổ chức, tập đoàn trong và ngoài nước; đơn giản hóa các thủ tục chuyển tiền, đa dạng hóa mạng lưới chi trả ngoại tệ qua các ngân hàng… Đây là những chính sách mới của Chính phủ Việt Nam nhằm thu hút nguồn kiều bào đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Hiện nay, một số giải pháp mới đang được tiếp tục nghiên cứu, triển khai như: Hoàn thiện khung khổ pháp lý nhằm bảo hộ và tạo điều kiện cho doanh nhân, tri thức kiều bào về nước làm ăn, sinh sống; Các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài tăng cường hỗ trợ các nhà đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài kết nối với các kiều bào nhằm xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vững mạnh ở nước sở tại; Thúc đẩy thành lập các câu lạc bộ tri thức kiều bào, các Hiệp hội doanh nhân kiều bào nhằm thu hút tri thức Việt kiều có trình độ chuyên môn cao, xây dựng những đầu mối về xuất nhập khẩu và hỗ trợ đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài;…
Tuệ Minh