Theo thông tư trên, từ 15-4 lực lượng công an chính thức xử phạt lỗi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo Nghị định 71/2012. Mức phạt từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/xe máy và 6-10 triệu đồng/ô tô. Tuy nhiên, việc xử phạt chỉ được thực hiện thông qua công tác đăng ký, cấp biển số; qua điều tra, giải quyết TNGT; qua việc tạm giữ phương tiện vi phạm. “Nếu người điều khiển phương tiện có đầy đủ giấy tờ, CSGT không được quyền hỏi người dân về việc xe không chính chủ” - ông Ngọ khẳng định.
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Cũng theo ông Ngọ, quy định bắt buộc phải chuyển quyền sở hữu phương tiện nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, trách nhiệm của các bên khi mua bán, trao tặng, tránh những tranh chấp dân sự. Ngay Bộ luật Dân sự cũng quy định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là nguồn nguy hiểm cao độ, cần phải được đăng ký, quản lý.
“Bộ Công an thấy xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện xuất phát từ lợi ích của người dân, đảm bảo quản lý nhà nước về an ninh trật tự và hoàn toàn khả thi. Vì vậy, Bộ chính thức đề nghị giữ nguyên quy định này trong dự thảo Nghị định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt” - Thứ trưởng Ngọ trả lời.
Trước đó, tại dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt lần 3, Bộ GTVT đã quyết định không đưa nội dung trên vào vì lo ngại thiếu khả thi. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng quyết định của Bộ GTVT hoàn toàn hợp lý. Thay vào đó, Chính phủ có thể đưa nội dung này vào các quy định của pháp luật liên quan đến thuế, phí.
Theo Thành Văn (Pháp Luật TP HCM)