Báo Lao Động đưa tin, ngày 19/11, Văn phòng Bộ Công an có Công điện số 22/CĐ-V01 gửi Ban Chỉ huy ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (Ban Chỉ huy ƯPT) Công an các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Cà Mau.
Nội dung công điện nêu rõ, ngày 19/11/2022, vùng biển phía Đông Bắc của Bắc Biển Đông đã có gió đông bắc mạnh cấp 6. Ngoài ra, xuất hiện vùng rãnh áp thấp ở phía Nam. Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chậm theo hướng Tây và có khả năng mạnh thêm; từ ngày 19-21/11/2022, khu vực Trung và Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ khả năng có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa 100-200mm, có nơi trên 250mm.
Với yêu cầu chủ động ứng phó với vùng áp thấp và mưa lớn, Văn phòng Bộ Công an đề nghị Ban Chỉ huy ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai - Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Công an và chính quyền địa phương về công tác ứng phó với vùng áp thấp và mưa lớn.
Sẵn sàng các điều kiện, lực lượng, phương tiện để bảo đảm an ninh, trật tự, kiểm soát, điều tiết, phân luồng giao thông, tổ chức cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ địa phương di dời, sơ tán dân khi có yêu cầu. Chủ động các phương án phòng, chống thiên tai trong cơ quan, đơn vị Công an; bảo đảm an toàn các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ và an toàn trụ sở, tài liệu, trang thiết bị làm việc, các cơ sở giam giữ của lực lượng Công an nhân dân.
Các đơn vị làm tốt công tác truyền thông, kịp thời thông tin về hình ảnh, hoạt động của lực lượng Công an nhân dân trong công tác phòng chống thiên tai. Tổ chức tốt công tác trực ban, trực chỉ huy, bảo đảm lực lượng, phương tiện sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và phòng, chống thiên tai.
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vào lúc 13h ngày 19/11, vùng áp thấp có vị trí ở khoảng 7,5 - 8,5 độ vĩ bắc, 111,3 - 112,3 độ kinh đông (phía nam Biển Đông). Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chậm theo hướng tây và có khả năng mạnh thêm.
Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp nối với vùng áp thấp nên đêm 19 và ngày 20/11, khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông mạnh. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8.
Ngoài ra, đêm 19 và ngày 20/11, khu vực bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động, sóng biển cao từ 2 - 3,5m.
Toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.
Trên đất liền khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông.
Lượng mưa tính từ 19h ngày 18/11 đến 15h ngày 19/11 có nơi trên 80mm như Ba Tơ (Quảng Ngãi) 162mm, Phù Mỹ (Bình Định) 87mm, Hòa Đồng (Phú Yên) 81mm, Cao Lãnh (Đồng Tháp) 87mm, Hòa Ninh (Vĩnh Long) 94mm…
Từ đêm 19 đến ngày 21/11, ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Khu vực từ Quảng Trị đến Ninh Thuận mưa phổ biển 100 - 200mm, có nơi trên 300mm. Khu vực Tây Nguyên từ 70 - 150mm, có nơi trên 200mm.
Khu vực Nam Bộ và Bình Thuận từ 50 - 100mm, có nơi trên 100mm. Khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình từ 40 - 70mm, có nơi trên 80mm.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo mưa lớn ở khu vực trên còn có khả năng kéo dài đến hết ngày 22/11. Từ ngày 23/11 mưa giảm dần và có khả năng mở rộng lên khu vực Bắc Trung Bộ.
Ông Chu Ngọc Thắng, Phó trưởng phòng dự báo thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thông tin với Tuổi Trẻ Online, từ nay đến ngày 22/11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên khả năng xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ 3 - 7m, hạ lưu các sông từ 1 - 3,5m.
Đỉnh lũ trên các sông chính từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và Bình Thuận khả năng lên mức báo động 1 và trên báo động 1.
Các sông ở khu vực Tây Nguyên, sông Ba (Phú Yên), sông Cái Nha Trang (Khánh Hòa) và các sông, suối nhỏ ở Quảng Ngãi lên mức báo động 1 - báo động 2, có sông trên báo động 2.
Các sông khác từ Bình Định đến Ninh Thuận lên mức báo động 2 - báo động 3, có sông trên báo động 3.
Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở trung du, vùng núi và ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên.
Minh Hoa (t/h)