Bỏ cộng điểm nghề trong xét tốt nghiệp THPT: Liệu có tạo nên "cú hích"?

Bỏ cộng điểm nghề trong xét tốt nghiệp THPT: Liệu có tạo nên "cú hích"?

Thứ 3, 05/11/2024 17:55

Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Dự thảo có nhiều điểm mới, trong đó có những thay đổi đáng chú ý như không còn quy định về cộng điểm học nghề trong xét tốt nghiệp THPT.

Dự kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về việc bỏ quy định cộng điểm học nghề trong xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 đang nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội, nhất là học sinh lớp 12.

Theo dự thảo thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, một trong những điểm mới đáng chú ý liên quan đến quyền lợi của học sinh là không còn quy định về cộng điểm học nghề trong xét tốt nghiệp trung học phổ thông. Nếu được phê duyệt, nội dung này sẽ chính thức áp dụng từ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 – năm đầu tiên kỳ thi thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bỏ cộng điểm nghề trong xét tốt nghiệp THPT: Liệu có tạo nên "cú hích"?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Theo Hà Nội Mới, ghi nhận thực tế cho thấy, nội dung này còn nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng, nếu bỏ việc cộng điểm học nghề trong xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông thì có nguy cơ làm giảm sự hào hứng của học sinh với việc học nghề, số lượng học sinh học nghề giảm, từ đó có thể khiến công tác phân luồng, giáo dục nghề nghiệp gặp khó khăn.

Tuy nhiên, lại có ý kiến cho rằng, thời gian qua cho thấy, việc cộng điểm học nghề cho học sinh không tạo cú hích cho việc hướng nghiệp, phân luồng. Nhiều học sinh đăng ký học nghề chủ yếu nhằm mục đích được cộng điểm khi xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông thì học đại học.

Một thay đổi đáng chú ý và đang có nhiều tranh cãi

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này với báo Thanh Niên, Thạc sĩ Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm GDTX Chu Văn An (tại Tp.HCM) cho biết, trong những năm gần đây, tỉ lệ tốt nghiệp của trung tâm dao động từ 97-98%, có năm xấp xỉ 99%. Trong số này, có một số em nhờ cộng điểm khuyến khích (có bằng trung cấp nghề, chứng chỉ tin học) mà đủ điều kiện tốt nghiệp THPT, tuy nhiên tỉ lệ này không nhiều.

Cũng theo Thạc sĩ Hoàng, trước đây, các em có nguyện vọng học chương trình GDPT và học nghề để khi thi tốt nghiệp THPT, các em được cộng điểm khuyến khích. "Nếu Bộ GD&ĐT bỏ việc cộng điểm khuyến khích sẽ rất đáng tiếc; phần nào khiến phụ huynh, học sinh trăn trở khi đăng ký học trung cấp nghề, GDTX", Thạc sĩ Hoàng nhấn mạnh.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, cho biết, hiện đang thực hiện phân luồng và giáo dục nghề nghiệp đối với học sinh THCS và THPT. Thực tế cho thấy, nhu cầu nhân lực trong thời đại số tăng cao. Vì vậy, các trường THCS, THPT khuyến khích học sinh theo học các chương trình để lấy chứng chỉ nghề, thi năng lực nghề, phát triển kỹ năng, là rất cần thiết.

Nếu bỏ cộng điểm khuyến khích cho học sinh học nghề sẽ đi ngược lại với việc khuyến khích phân luồng, giáo dục nghề nghiệp; có nguy cơ làm giảm đi số lượng học sinh đăng ký học nghề, từ đó công tác phân luồng, giáo dục nghề nghiệp sẽ gặp khó khăn.

Liệu có gây thiệt thòi cho học sinh hệ giáo dục thường xuyên?

Trao đổi với Giáo dục và Thời đại, ông Đinh Lương Y, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 2, Đà Nẵng, cho rằng, nếu không cộng điểm học nghề trong xét tốt nghiệp THPT thì sẽ thiệt thòi cho những học sinh đang theo học hệ giáo dục thường xuyên.

Với học sinh theo học hệ giáo dục thường xuyên tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 2, ngoài học văn hóa, đều được Trung tâm vận động lựa chọn một nghề cụ thể. “Các em được miễn phí khi tham gia học nghề. Đây cũng là cơ sở để cộng điểm thi tốt nghiệp THPT; qua đó dần định hướng nghề nghiệp cho các em.

Nhiều em có hoàn cảnh gia đình khó khăn đã chọn tiếp tục học nghề để ra trường phụ giúp gia đình. Do đó, lựa chọn học tại trung tâm cũng được nhiều phụ huynh cân nhắc vì các em đồng thời có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề vừa có bằng tốt nghiệp THPT sau 3 năm học”, ông Y phân tích.

Đáng chú ý, học sinh hệ giáo dục thường xuyên tại các trung tâm GDTX - hướng nghiệp vừa đáp ứng đầy đủ các môn của Chương trình GDPT 2018 vừa học chương trình nghề như một học viên trung cấp nghề. Theo ông Đinh Lương Y, dù đã giảm tải chương trình, học sinh hệ giáo dục thường xuyên chỉ học 7 môn nhưng khi thi tốt nghiệp THPT thì các em thi chung một đề, không khác gì học sinh phổ thông. Nếu không cộng điểm khuyến khích nghề thì học sinh hệ giáo dục thường xuyên sẽ thiệt thòi vì đầu vào của các em không bằng học sinh phổ thông được.

Dự kiến, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong tháng 1/2024.

Trúc Chi (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.