Những bàn tán xoay quanh việc xe biển xanh đón tận chân cầu thang máy bay hôm 4/1 đã gây xôn xao dư luận suốt mấy ngày vừa qua. Chuyện sẽ không có gì đáng nói khi có thông tin cho rằng chiếc xe này là để đón phu nhân Bộ trưởng Công thương, điều được cho là không phù hợp với các quy định về sử dụng xe công vụ.
Cùng lúc đó, hình ảnh công văn của bộ Công thương gửi Cảng vụ hàng không miền Bắc đề nghị tạo điều kiện để đón Bộ trưởng tại sân đỗ máy bay và nhà ga VIP A cũng tạo nên làn sóng tranh cãi.
Trả lời báo chí, Cảng vụ hàng không miền Bắc nói đang xác minh sự việc và xác nhận công văn này là có thật.
Hiện tại, bộ Công thương cũng như Bộ trưởng vẫn chưa lên tiếng bình luận về vụ việc. Dư luận đang bắt đầu đặt ra nhiều câu hỏi.
Chưa biết lỗi thuộc về ai nhưng cả bộ Công thương và thậm chí là cá nhân Bộ trưởng đang rơi vào những cáo buộc đầy áp lực về cái gọi là ỷ lại vào chức vụ để sử dụng đặc quyền cho mục đích cá nhân.
Ngay lập tức khi câu chuyện tranh cãi nổ ra, mạng xã hội đã chia sẻ trở lại hàng loạt những bài viết “nêu gương” về các nhà lãnh đạo nước ngoài được cho là “công tư phân minh” khi di chuyển cũng phải bình đẳng như người thường.
Đó là câu chuyện về Thủ tướng Đức Angela Merkel phải tới tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina bằng máy bay phổ thông, thay vì chuyên cơ gặp lỗi kỹ thuật. Hay Thủ tướng Phần Lan Juha Sipilä trên chuyến bay từ Helsinki về thị trấn Oulu trong lúc đang đi công cán đã phải ngồi trong nhà vệ sinh vì hết vé.
Gay gắt hơn, dư luận còn dẫn ra những vị quan chức ở một số quốc gia sử dụng tài sản công cho mục đích cá nhân đã bị kỷ luật, thậm chí là từ chức. Trong đó có Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ con người Mỹ Tom Price đã từ chức vào tháng 9/2017 do thuê máy bay tư nhân đắt tiền để đi công tác. Hoặc mới đây là Bộ trưởng Giáo dục Nhật Bản Yoshimasa Hayashi phải xin lỗi vì sử dụng xe công đến một phòng tập yoga.
Rất nhiều những ví dụ đang được đưa ra như một bài học cũng như một sự quở trách đối với bộ Công thương về việc dùng xe công ưu ái đón phu nhân Bộ trưởng trong câu chuyện nói trên.
Tuy nhiên, sự thật vẫn chưa được sáng tỏ. Do đó, điều mà bộ Công thương cần làm lúc này là lên tiếng về sự việc.
Dư luận cần một lời giải thích rõ ràng để làm nguôi đi sự khó chịu trong vài ngày qua. Họ cần một lý do, dù có thể là đơn giản. Đó có thể là một “lỗi đánh máy” như thường thấy, một lỗi hệ thống, hay đơn giản là sai lầm về mặt chỉ đạo nào đó. Những lý do để công chúng tin rằng mọi chuyện vẫn trong khuôn khổ chấp nhận được và sẵn sàng thông cảm.
Cần phải nhớ rằng một cơ quan của nhà nước cấp bộ, hay cá nhân là một lãnh đạo ở vai trò bộ trưởng, có những đặc quyền hay ưu tiên ở một mức độ nào đó và một sai lầm nhỏ hoàn toàn có thể châm chước.
Thủ tướng Đức Angela Merkel có quyền sử dụng riêng một chiếc máy bay không có hành khách để đến dự Hội nghị G-20 kịp giờ hay không? Thủ tướng Phần Lan Juha Sipilä có quyền yêu cầu một hành khách nhường chỗ cho mình hay không? Câu trả lời là có. Nhưng tại sao họ không làm? Câu trả lời là không cần thiết.
Bởi vậy, câu trả lời của bộ Công thương trước dư luận cần làm rõ được tính cần thiết trong hành động gây tranh cãi của mình. Nếu nó được công nhận là một lý do xác đáng, công chúng sẽ không hẹp hòi.
Các nhà lãnh đạo nước ngoài thường rất thận trọng khi làm hành động gì đó mang tính vượt quyền. Điều họ lo sợ không phải là sự phán xét của công chúng mà là sự bới móc, chỉ trích của phe phái đối lập.
Cũng chính vì điều này, đôi khi các vị chính khách đó còn không dám sử dụng cả những quyền lợi mà thực tế họ được phép làm. Bởi một khi bị mất uy tín chỉ vì một “chuyện bé xé ra to”, họ sẽ đánh mất cả sự nghiệp chính trị
Còn với bộ Công thương, những điều họ cần phân trần chỉ là với công chúng. Họ cần nói lên sự thật hoặc ít nhất là một lời giải thích.
Vu Lan