Theo đó, Cục Phòng vệ thương mại khi được thành lập sẽ là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về phòng vệ thương mại, góp phần triển khai hiệu quả các quy định pháp luật về phòng vệ thương mại của Việt Nam để bảo vệ lợi ích của các DN trong bối cảnh hội nhập.
Định hướng các nhiệm vụ của Cục Phòng vệ thương mại sẽ là chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về chống bán phá giá, chống trợ cấp và áp dụng các biện pháp tự vệ đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam; tổ chức điều tra việc nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt nam để đề xuất áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Cục Phòng vệ thương mại cũng sẽ chủ trì hoặc phối hợp với các DN, hiệp hội ngành hàng trong việc đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, Cục sẽ là đầu mối, phối hợp với các bộ, ngành giải quyết các tranh chấp tại Tổ chức Thương mại thế giới liên quan đến của biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, việc thành lập một cơ quan chuyên trách về lĩnh vực phòng vệ thương mại trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết để đáp ứng xu thế hội nhập và ứng phó với những diễn biến khó lường của thương mại quốc tế và khu vực
Trước đó trên thế giới, hầu hết các nước như Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản… đều thành lập một cơ quan quản lý riêng biệt về chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ và cơ quan này thường trực thuộc các Bộ Thương mại, Kinh tế hoặc Công Thương.
Chia sẻ thêm về việc “thực hiện chiến lược hội nhập với những tầm cao mới” và những đối sách ứng phó với xuất nhập khẩu trước những diễn biến khó lường của thương mại quốc tế và khu vực, người đứng đầu Bộ Công thương cho biết, Bộ đang xây dựng Luật Quản lý ngoại thương, trong đó đưa toàn bộ các quy định về chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ vào thành một chương trong Dự thảo Luật. Dự kiến Luật Quản lý ngoại thương sẽ được trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tới.
Đươc biết, tính đến ngày 31/10/2016, tổng số vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ nhằm vào hàng hóa xuất khẩu Việt Nam là 104 vụ, trung bình gần 6 vụ/năm, trong đó có 66 vụ điều tra chống bán phá giá, chiếm 63% tổng số các vụ kiện. Đến nay, Việt Nam đã tiến hành 9 cuộc điều tra áp dụng biện pháp tự về, chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam theo yêu cầu từ ngành sản xuất trong nước. Đặc biệt, số vụ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ có xu hướng tăng lên (riêng giai đoạn 2015-2016, Bộ Công Thương đã tiến hành 6 vụ điều tra chống bán phá giá và tự vệ).
Ngoài các cuộc điều tra chống bán phá giá, Việt Nam đang có xu hướng trở thành mục tiêu của các cuộc điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá do bị coi là nơi chuyển tải của hàng hóa Trung Quốc bị áp thuế.
Cùng với đó, việc thực hiện các cam kết theo hiệp định thương mại đã loại bỏ hàng rào phi quan thuế, giảm thuế nhập khẩu. Điều này đặt các doanh nghiệp, ngành hàng Việt Nam trước sự cạnh tranh khốc liệt của các hàng hoá nhập khẩu, trong đó có cả sự cạnh tranh không lành mạnh.
Do đó, “một trong những công cụ bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp sản xuất trong nước trước áp lực cạnh tranh của hàng hoá nhập khẩu là sử dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ” – Bộ trưởng Bộ Công thương nhận định.
Diệu Ly