Hàng hoá dồi dào, ổn định bình ổn giá
Theo ghi nhận của Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương, tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn các tỉnh thành phía Nam vẫn duy trì ổn định, đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân trong trạng thái bình thường mới.
Tại Tp.HCM, tính đến ngày 27/12, đã có 203/233 chợ hoạt động, đạt tỉ lệ 91%; các chợ chủ yếu vẫn tập trung kinh doanh các ngành hàng lương thực, thực phẩm để phục vụ người dân trên địa bàn.
Bên cạnh đó, các siêu thị và cửa hàng tiện lợi vẫn duy trì hoạt động với 106/106 siêu thị, số lượng cửa hàng tiện lợi mở lại ngày càng tăng lên, đến nay có 3.028/3.101 cửa hàng tiện lợi để phục vụ nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người dân.
Đối với 3 chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền, từ ngày 20/12/2021 cả 3 chợ đầu mối đã mở cửa hoạt động trở lại sau khi xây dựng phương án phòng, chống dịch, người vào chợ không phải thực hiện xét nghiệm Covid-19; các chợ đầu mối hoạt động là nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm cho các hệ thống phân phối trên địa bàn Thành phố và cho các tỉnh.
Tại 3 chợ đầu mối, tổng lượng hàng đưa về cung ứng cho thị trường trong sáng ngày 27/12 tăng 3,6% so với ngày 26/12, ước đạt 5.121 tấn/đêm.
Tại Cần Thơ, hiện trên địa bàn có 40/105 chợ đã được mở lại, tăng 02 chợ so với tuần trước. Các chợ mở lại có số lượng tiểu thương tham gia từ 30-70%, tất cả đều có tiêm ít nhất 1 mũi sau 14 ngày. Hiện có 9 siêu thị và 145 cửa hàng tiện ích đang hoạt động (lũy kế tạm ngưng 6 cửa hàng) cung ứng các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân.
Tình hình thị trường hàng hóa trên địa bàn thành phố trong ngày nhìn chung ổn định; nguồn cung hàng hóa đa dạng, số lượng đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân; không xảy ra hiện tượng tranh mua hàng hóa với số lượng lớn để dự trữ.
Tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích như Co.opmart, Satra Food, Bách hóa xanh, Vinmart+… đã tăng cường nhân viên phục vụ, xây dựng các phương án kịp thời bổ sung hàng hóa để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, sức mua tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích trong ngày 27/12 ổn định so với ngày 26/12.
Tại tỉnh An Giang, hiện nguồn hàng tại các chợ, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện ích khá dồi dào, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu người dân; Giá cả hàng hóa duy trì ổn định, ít biến động. Để chủ động nguồn hàng phục vụ nhu cầu của mua sắm người dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây tăng giá bất hợp lý.
Sở Công Thương tỉnh xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng tham gia bình ổn thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán năm 2022, được thực hiện từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 7/2/2022.
Đến nay, có 23 doanh nghiệp chủ lực của tỉnh đã đăng ký tham gia bình ổn thị trường với 451 điểm bán hàng đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm dịp cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán năm 2022. Dự kiến tổng số tiền dự trữ khoảng 1.342 tỷ đồng, tăng 2,4% so với kết quả thực hiện năm trước.
Tại các tỉnh, thành phía Nam khác, nhìn chung tình hình thị trường tại các tỉnh không có biến động bất thường, nguồn cung hàng hóa được bảo đảm.
Áp lực nguồn cung oxy y tế
Đối với vấn đề cung ứng oxy y tế phục vụ điều trị người bệnh Covid-19, Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) đã có văn bản số 1025 gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đề nghị trao đổi, phối hợp với các cơ sở sản xuất, kinh doanh khí ôxy trên địa bàn để điều phối linh hoạt hoạt động sản xuất oxy cung ứng cho lĩnh vực công nghiệp và y tế.
Tại buổi làm việc trực tuyến với Sở Công Thương, Sở Y tế của các địa phương khu vực Tây Nguyên, Đông Tây Nam Bộ với đại diện Hiệp hội thép Việt Nam, cùng các doanh nghiệp cung cấp oxy, sản xuất thép, Cục Công nghiệp đã đề nghị các doanh nghiệp sản xuất oxy cân đối dành ưu tiên cho việc cung ứng oxy cho ngành y tế, phục vụ cho nhu cầu phòng, chống dịch Covid-19.
Đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất thép chung tay điều tiết sản lượng, tiết kiệm oxy nhằm tăng cường oxy cho nhu cầu khám, chữa bệnh đang tăng cao.
Tuy nhiên đến nay, Tp.HCM và một số tỉnh miền Tây như Sóc Trăng, Long An, Đồng Tháp, Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang vẫn đang thiếu oxy y tế. Theo các số liệu thống kê sơ bộ, bình quân mỗi ngày tổng nhu cầu oxy cho y tế các tỉnh phía Nam khoảng trên 400 tấn, trong đó, nhu cầu tại Tp.HCM là khoảng trên 100 tấn, các tỉnh khác mỗi tỉnh khoảng 50 tấn.
Bộ Công Thương cho biết, khi nền kinh tế đang vận hành trở lại trong lúc dịch bệnh có diễn biến lan rộng, phức tạp, nhu cầu oxy cho điều trị tăng nhanh, đột biến cùng áp lực từ việc sản xuất, kinh doanh theo các đơn hàng, hợp đồng kinh tế đã ràng buộc và hạn chế việc cung ứng oxy cho y tế và đây cũng là khó khăn lớn cho các đơn vị sản xuất, cung ứng và sử dụng oxy.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất, việc vận chuyển giữa các vùng, miền chỉ là một trong các giải pháp tạm thời, đảm bảo chia sẻ, luân chuyển trong điều kiện thiếu oxy cục bộ nhưng vẫn phải đảm bảo nhanh, an toàn, hỗ trợ điều trị cứu sống nhiều bệnh nhân, tuy nhiên vẫn cần tính đến, duy trì trong suốt quá trình chống dịch, kể cả việc vận chuyển theo chiều ngược lại.
Về lâu dài Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các địa phương để nắm bắt sát hơn nhu cầu sử dụng, thống nhất, chủ động giải pháp đảm bảo nguồn cung oxy cho các cơ sở y tế.
Chỉ đạo, hỗ trợ các đơn vị sản xuất sớm đưa các dự án đang xây dựng vào hoạt động, xây dựng phương án đẩy mạnh sản xuất tối đa oxy y tế theo công suất cho phép, xây dựng điều tiết phương án vận chuyển hợp lý trong và các địa phương lân cận….
“Với các giải pháp chủ động, quyết liệt hy vọng trong thời gian tới các cơ sở y tế phía Nam sẽ phần nào giảm áp lực thiếu nguồn cung oxy y tế và lượng bệnh nhân ngày càng giảm, phục hồi sản xuất và nền kinh tế”, ông Thanh cho hay.