Bộ 'đá nhau' về quy định xử phạt xe không chính chủ

Bộ 'đá nhau' về quy định xử phạt xe không chính chủ

Thứ 7, 27/07/2013 16:40

Trong khi, nhiều người dân thể hiện sự vui mừng, ủng hộ bộ GTVT không đưa vào dự thảo quy định xử phạt xe không chính chủ và hành vi đội mũ bảo hiểm rởm thì bộ Công an vẫn kiên quyết vẫn sẽ xử phạt đến cùng hai "vi phạm" trên.

Đề xuất bãi bỏ phạt xe không chính chủ

Theo quan điểm của bộ GTVT, dự thảo xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt lần này để thay thế cho các Nghị định 34 và 71 trước đây. Một trong những điểm mới nhất của dự thảo lần này so với các Nghị định trước là bổ sung xử phạt nhiều lỗi là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông cho người khác. Được biết, dự thảo Nghị định 71 sửa đổi từng quy định mức phạt đối với hành vi không chính chủ, trong đó xe máy từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng và ô tô từ 6 đến10 triệu đồng.

Xã hội -  Bộ 'đá nhau' về quy định xử phạt xe không chính chủ

Hai bộ Công an và GTVT còn chưa thống nhất về quy định xử phạt xe không chính chủ. Ảnh minh họa

Sau khi đưa ra bản dự thảo này bộ GTVT đã nhận được rất nhiều ý kiến phản biện của người dân và các cơ quan liên quan. Trong khi, bộ Công an kiên quyết với ý kiến phải xử phạt thì bộ GTVT một lần nữa khẳng định họ rút quy định này sau khi tiếp nhận đại đa số ý kiến không đồng tình của người dân.

Hai luồng ý kiến trái chiều tiếp tục được bàn luận trong hội nghị thẩm định dự thảo Nghị định 71 sửa đổi diễn ra ở bộ Tư pháp. Nói về vấn đề này, ông Hoàng Thế Liên - Thứ trưởng bộ Tư pháp (Chủ tịch hội đồng thẩm định Nghị định 71 sửa đổi) cho rằng, phải phạt nặng đối với những hành vi nghiêm trọng đe dọa đến an toàn giao thông và gây tai nạn giao thông. Ông Liên khẳng định, việc xử phạt xe không chính chủ là đúng và phải đưa vào Nghị định vì đây là nguồn nguy hiểm cao độ và luật đã quy định xử phạt. Tuy nhiên, thời điểm phạt và mức phạt như thế nào cho hợp lí là điều đáng bàn. Với quy định xử phạt mũ bảo hiểm rởm, trách nhiệm của ai thì người đó phải chịu (quản lý thị trường và người sản xuất-kinh doanh) chứ không phạt người đội mũ.

Theo bộ GTVT, việc xử phạt người đội mũ bảo hiểm rởm và xe không chính chủ là không hợp lý. Thời gian qua, rất nhiều cơ quan chức năng, báo chí và cả người dân đều phản đối. Sau khi tiếp thu ý kiến người dân, bộ GTVT đã kiên quyết loại vấn đề này ra khỏi dự thảo xử phạt hành chính. Tuy nhiên, quan điểm này đã "vấp" phải sự kiên quyết của bộ Công an. Không ít người dân thắc mắc rằng, việc xử phạt xe không chính chủ sẽ đi về đâu?

Xã hội -  Bộ 'đá nhau' về quy định xử phạt xe không chính chủ (Hình 2).

TS. Nguyễn Xuân Thủy

Chưa phải thời điểm thích hợp?

Chính phủ sẽ quyết định về vấn đề "xe chính chủ"

Đại diện cơ quan soạn thảo, ông Hoàng Thế Tùng, vụ An toàn giao thông (bộ GTVT), cho biết, mặc dù dự thảo không còn nội dung xử phạt hành vi "không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định" nhưng trong tờ trình gửi Chính phủ sắp tới sẽ được đưa vào mục nội dung còn ý kiến khác nhau để Chính phủ quyết định.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin, TS. Nguyễn Xuân Thủy, (nguyên tổng biên tập Nhà xuất bản GTVT) cho rằng, tôi đồng tình với dự thảo xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt của bộ GTVT. Tôi đánh giá rằng, Bộ biết lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân. Khi ra một quyết định, nếu thấy không thực tế, còn nhiều vướng mắc thì có thể tạm dừng, nghiên cứu tiếp. Việc bộ GTVT quyết định bỏ xử phạt đội mũ bảo hiểm rởm và xe không chính chủ là hợp lý.

Theo ông Thủy, rất nhiều chuyên gia giao thông đã phân tích rất rõ ràng những bất cập trong việc xử phạt mũ bảo hiểm rởm. Khi người dân đang lưu thông trên đường, cơ quan chức năng lấy gì để yêu cầu họ dừng xe kiểm tra mũ. Hơn nữa, việc thế nào là mũ bảo hiểm rởm hay "xịn" thì phải có sự kiểm định chứ bằng mắt thường không thể phân biệt được. Điều quan trọng nhất là, việc để mũ bảo hiểm rởm tràn lan trên thị trường là lỗi của cơ quan quản lý thị trường. Họ đã không làm hết nhiệm vụ. Các cơ quan chức năng không quản được các đối tượng kinh doanh mũ bảo hiểm kém chất lượng mà lại áp quy định xử phạt người dân là bất hợp lý. Chính vì thế, điểm này bộ GTVT quyết bỏ ra ngoài dự thảo khiến nhiều người hoan nghênh và ủng hộ.

Về vấn đề tranh cãi giữa hai bộ Công an và bộ GTVT, có nên bỏ quy định phạt xe không chính chủ, TS. Nguyễn Xuân Thủy bày tỏ quan điểm: "Theo tôi, việc bộ GTVT bỏ quy định xử phạt xe không chính chủ thời điểm này là một quyết định hợp lý. Vẫn biết rằng, với quy định này sẽ giúp cơ quan công an kiểm soát tốt hơn nguồn gốc của xe và điều tra nhanh chóng hơn về các vụ tai nạn có yếu tố hình sự. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người dân thắc mắc với tôi rằng, cơ chế hành chính của chúng ta chưa linh hoạt và tương đối nhiêu khê. Có những người cả tuần trời đi sang tên cho chiếc xe của mình mà vẫn không được. Bên cạnh đó,  nhiều người mua được chiếc xe cũ qua cả chục đời chủ, họ phải lần mò đi tìm người đầu tiên mua xe là rất khó và tốn quá nhiều thời gian. Chính vì thế, việc áp quy định xử phạt xe không chính chủ thời điểm này là tương đối bất cập".

Vị nguyên tổng biên tập Nhà xuất bản GTVT cũng cho biết thêm, trong bản sang tên đổi chủ xe, yêu cầu có cả chữ ký của cả vợ và chồng chủ sở hữu xe. Như vậy, nếu đã là hai người cùng ký rồi thì sao lại gọi là chính chủ nữa. Bởi chính chủ chỉ là một người, chứ làm sao hai người chung được. Việc xử phạt xe chính chủ cũng cần phải làm nhưng không nhất thiết là vào thời gian này. Bên cạnh đó, cũng chẳng có bằng chứng hay thống kê nào khẳng định được rằng việc "áp" quy định xe chính chủ sẽ giảm được tai nạn giao thông, tắc đường.   

Phạt nặng nhiều hành vi vi phạm khi lái xe

Dự thảo cũng quy định phạt nặng đối với hành vi uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Trong đó, phạt từ 7-8 triệu đồng khi điều khiển xe trên đường mà trong máu và khí thở có nồng độ cồn trên 50-80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá từ 0,25 - 0,4 miligam/1 lít khí thở. Xử phạt từ 15-20 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ, đuổi nhau trên đường bộ gây tai nạn hoặc không chấp hành hiệu lệnh dừng xe và chống người thi hành công vụ. Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với cá nhân, và từ 6 - 10 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải vi phạm một trong các hành vi sử dụng phương tiện kinh doanh vận tải không gắn thiết bị giám sát hành trình của xe…  

P.Hạnh-V.Chương

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.