Mùi hương trầm từ đền thờ phảng phất quyện trong không gian tĩnh lặng. Mở cổng đón tôi là nghệ nhân Nguyễn Chí Trung, tác giả của giàn đàn đá 100 thanh, một kỷ lục đã từng được ghi vào Guinness Việt Nam và Guinness thế giới.
Duyên nợ với đá
Tôi bảo tôi đến đây để nghe đàn đá, nhưng ông chỉ về phía gian thờ trầm ngâm: "Đức Lộc đã mất rồi. Chỉ còn một người nên không đàn được vì thiếu đi sự giao thoa, cộng hưởng". Thì ra, bộ đàn đá này có hai giàn, mỗi giàn gồm 50 phiến đá. Và một khúc nhạc sẽ không thể bay bổng, phiêu linh nếu chỉ có một người chơi.
Hai anh em nghệ nhân bên cây đàn đá.
Suốt buổi nói chuyện, nghệ nhân Chí Trung luôn nhắc đến chữ duyên. Ông bảo hành trình 25 năm đi tìm đá làm đàn của ông chính là một duyên phận. Như cái duyên với âm nhạc dân tộc dính liền với cuộc đời ba anh em ông.
Lớn lên trong tiếng đàn, tiếng hát chầu văn tại đền thờ Trần Hưng Đạo (cũng là nơi cư ngụ của gia đình ông bây giờ), những nốt nhạc, lời ca dần ngấm vào máu thịt ba anh em lúc nào không hay.
Sống trong một gia đình không có ai theo âm nhạc, nhưng lớn lên, cả ba anh em ông đều trở thành những nghệ nhân về nhạc cụ dân tộc. Họ sống bằng nghề biểu diễn sáo trúc, đàn cò, đàn tranh, đàn T'rưng tại các khách sạn, nhà hàng và lưu diễn các tỉnh.
Ngày 21/12/1981, nghệ nhân Chí Trung và người em Đức Lộc đã công bố công trình nghiên cứu sáng tạo loại sáo 16 lỗ và 18 lỗ tại Viện nghiên cứu âm nhạc, trường Nghệ thuật sân khấu TP.HCM. Và cũng tại đây, cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (lúc đó là viện trưởng Viện nghiên cứu âm nhạc Việt Nam, chủ tịch hội đồng khoa học về đàn đá) đã gửi đến hai ông phiến đá nặng 6 kg, với lời đề nghị: "Hai ông đã cải tiến sáo trúc rất thành công, nay hai ông hãy tìm cách cải tiến đàn đá, sao cho gọn nhẹ hơn và có thể hòa âm được cả nhạc dân tộc và nhạc phương Tây".
Vui mừng trước thành công được ghi nhận và cảm động vì lòng tin của vị nhạc sĩ đáng kính, hai ông quyết định nhận lời và bắt tay vào làm một công việc mà hai ông biết trước là rất khó khăn. Vì từ xưa đến nay, anh em ông chưa hề hiểu biết gì về loại đàn độc đáo này. Và hành trình 25 năm khám phá, tìm tòi của hai nghệ nhân bắt đầu.
Thời xưa, đàn đá được làm từ những loại đá như đá hoa cương, đá cẩm thạch, đó là những loại đá vô cùng quý hiếm. Với hai ông, kiếm được những loại đá như vậy gần như là một việc không tưởng, nhất là trong hoàn cảnh không được hỗ trợ về kinh phí.
Hai ông phải tự xoay xở vay tiền của người thân, bạn bè. Phải tự tìm tài liệu đọc để có kiến thức về đàn đá. Đã có lúc hai ông tưởng phải bỏ cuộc vì không đủ kinh phí, vì không tìm được đá làm đàn. Nhưng cái duyên với âm nhạc, lòng đam mê và niềm tin của cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã giúp hai ông vượt qua những khó khăn tưởng như không thể vượt qua nổi.
Cái khó ló cái khôn, hai ông bàn nhau nghiên cứu làm đàn đá từ những loại đá thông thường, dễ kiếm. Cứ chỗ nào có đá là hai ông tìm đến. Phương tiện đi lại để chở đá chỉ bằng hai chiếc xe đạp cà tàng. Vậy mà hết Nha Trang, Đà Nẵng, dãy Ngũ Hành Sơn..., không nơi nào có đá mà hai ông không đặt chân tới.
Và trong hành trình tìm tòi ấy, lại một lần nữa, cái duyên đã cho hai ông gặp được một người thợ chạm khắc đá. Đó là một lần khi chở đá về nhà, xe đạp của Chí Trung bị sa vào ổ gà. Bánh xe bị cong, đá rơi vãi khắp mặt đường. Trong túi ông lúc ấy không còn một đồng lẻ. Đang loay hoay không biết làm sao thì một thanh niên tốt bụng ngồi uống nước ven đường chạy tới giúp.
Anh thanh niên này nhiệt tình dùng chiếc Vespa của mình chở ông và bao đá về nhà. Sau khi biết ông đi tìm đá để làm đàn, anh thanh niên đã tận tình hướng dẫn ông kỹ thuật chạm khắc đá. Vậy là cứ mỗi lần gặp khó khăn, ông lại gặp được những điều may mắn. Ông không cho đó là điều gì huyền bí, mà chỉ coi đó là cái duyên.
Cái duyên đó đã giúp ông duy trì được niềm đam mê, đã gắn chặt đời ông với âm nhạc. Nó giúp ông quên đi những vướng bận của cuộc sống đời thường, tập trung hết trí sáng tạo, lòng say mê, làm ra được bộ đàn đá để đời, không phụ lòng tin của người nhạc sĩ nổi tiếng, đáng kính năm nào.
Hơn nửa đời người tìm tòi, sáng tạo, ông có một ước nguyện, rằng đàn đá không chỉ để bày trong các Viện Bảo tàng, rằng các thế hệ sau sẽ thay ông hoàn chỉnh nốt những gì ông chưa kịp làm, để đàn đá vốn đã là một nhạc cụ dân tộc độc đáo, sẽ trở nên độc đáo hơn với những thế đánh mới, thang âm mới, mang lại những âm thanh kỳ diệu làm mê hoặc lòng người.
Đánh thức hồn của đá
Không phải cứ kiếm được đá rồi, gõ vào là nó sẽ phát ra tiếng nhạc. Nghệ nhân Chí Trung mang một phiến đá ra, gõ cho tôi nghe. Âm thanh đúng là không có gì đặc biệt. Nhưng khi phiến đá được đặt trên một cái ống và gõ lại, âm thanh nghe khác hẳn, trầm bổng, ngân nga. Khi mới đi tìm đá về cũng vậy, gõ có hòn kêu hòn không.
Tài liệu về đàn đá nói rằng: Ngày xưa ông bà ta tạo ra tiếng nhạc từ đá bằng cách đào một cái lỗ dưới đất, lót rơm xuống, rồi đặt phiến đá lên. Sự cộng hưởng âm giữa phiến đá và bầu hơi sẽ tạo ra âm thanh của đàn đá. Nhưng đó là cách chơi đàn đá cổ xưa, hai anh em nghệ nhân tìm mọi cách để tạo ra một loại đàn đá mới gọn nhẹ hơn, tiện dụng hơn, có thể di chuyển được tới mọi nơi.
Qua bao ngày suy nghĩ, hai ông nghĩ ra cách dùng những ống nhựa polimer có khoét lỗ, đặt những phiến đá lên và nhận ra sự thay đổi cao độ, trường độ của nốt nhạc khi gõ vào phiến đá đó. Khi có hộp cộng hưởng thì loại đá nào đặt lên cũng phát ra tiếng, không cần phải tìm loại đá phát ra tiếng kêu nữa. Đây là một phát hiện quan trọng trong việc chế tạo đàn đá bằng những loại đá thông thường.
Vậy là bao nhiêu đá kiếm về, nhờ một người cháu mua cho cái máy cắt mài đá cũ, nghệ nhân Đức Lộc tự mình mài đủ 100 thanh đá, kết hợp chúng với bầu hơi phía dưới, rồi điều chỉnh trọng lượng, kích thước phiến đá cho đến khi âm thanh phát ra đúng, chính xác với từng nốt nhạc trong hệ thang âm thất cung.
Ngay chiếc dùi đánh đàn đá cũng được nghệ nhân Đức Lộc cải tiến lại. Thay vì mỗi lần chuyển từ thang cao sang thang trầm hoặc ngược lại, phải dùng thêm một bộ thanh gõ nữa. Mà như vậy sẽ chậm nhịp nhạc. Nghệ nhân Đức Lộc đã ghép thành một thanh 2 đầu dùi. Nhưng ở mỗi đầu được tách ra làm hai. Một bên là gỗ, khi đánh tạo âm sắc đanh. Bên kia bịt cao su, cho âm sắc mềm mại hơn.
Nói về thiết kế của đàn đá, nghệ nhân Chí Trung cho biết, đó là một tác phẩm nghệ thuật thấm đẫm tính hoa văn hóa dân tộc, gắn liền với truyền thuyết Lạc Long Quân và âu Cơ. Bộ đàn đá gồm hai giàn, mỗi giàn 50 thanh, tượng trưng cho câu chuyện mẹ âu Cơ mang thai trăm trứng đẻ ra trăm con, 50 theo mẹ lên non, 50 theo cha xuống biển.
Tuy chia làm hai nhưng tất cả đều chung một nguồn cội. Trên mỗi thanh đá còn có hình những con chim lạc, thuyền rồng đang tung cánh bay. Đó là hình ảnh công cuộc khai sơn phá thạch, mở mang bờ cõi của nòi giống con rồng cháu tiên.
Bộ đàn đá trăm thanh. Ảnh: internet.
Bộ đàn đá mà hai nghệ nhân bỏ công sức gần nửa đời người để làm ra, đã trở thành nhạc cụ độc đáo trong âm nhạc dân tộc Việt Nam. Nó vừa chơi được những bản nhạc dân tộc của Việt Nam, vừa có thể hòa âm những bản nhạc của người phương Tây.
Đam mê và dành cả đời cho âm nhạc dân tộc, nhưng nghệ nhân Chí Trung còn hai tâm nguyện nữa vẫn chưa hoàn thành. Một là tìm được những nghệ sĩ trẻ kế thừa cách chơi loại đàn đá này của ông. Hai là ông có đủ kinh phí để tạo ra nhiều bộ đàn đá như thế này chứ không phải một bộ duy nhất.
Nhắc về người em đã mất của mình, giọng ông buồn buồn: "Giờ tuổi đã cao, không còn đi biểu diễn kiếm tiền được nữa, chỉ có thể sống dựa vào con cháu. Ngày Đức Lộc ngã bệnh, trong nhà cũng không có tiền chữa bệnh, phải nhờ đến sự hỗ trợ của anh em, bạn bè. Muốn tìm người truyền dạy cho họ cách chơi đàn đá, muốn mang đàn đá của Việt Nam mình ra thế giới, nhưng tiền không có, đành lực bất tòng tâm".
Hai năm trước, từng có một công ty du lịch ngoài Khánh Hòa đặt hai ông làm cho một giàn đàn đá và đàn T'rưng mang về trưng bày. Hoàn thành xong thì nghệ nhân Đức Lộc mất. Nghệ nhân Chí Trung tâm sự: "Nhờ thế mới có tiền sửa lại mái nhà. Trước đó cứ trời mưa là dột”.
Tôi ngắm nhìn hai bộ đàn đá hết sức duyên dáng, đẹp mắt, đặt trang trọng trước gian thờ, và nghe nghệ nhân Chí Trung lướt trên một vài thanh âm, rồi chào ông ra về. Phía trong nhà, tôi thấy người cháu gọi ông bằng cậu bước đến, bàn tay lướt nhẹ trên những phiến đá. Lời của trăm thanh đá réo rắt, trầm bổng, ùa ra con ngõ nhỏ, vấn vít bước chân tôi... Một thứ thanh âm tuyệt vời khiến lòng tôi xao xuyến! Thứ thanh âm đã từng được GS.TS Trần Văn Khê ca ngợi là "biểu hiện tâm tư hệt như con người". Đó chính là hồn của đá được đánh thức bởi những đôi bàn tay khéo léo, bởi nhiệt huyết và cái duyên với âm nhạc của anh em nghệ nhân Chí Trung - Đức Lộc.
Một số sáng chế, cải tiến nhạc cụ dân tộc của anh em nghệ nhân Chí Trung - Đức Lộc - Sáng chế cây Sáo 12 lỗ và 16 lỗ bấm (Gamme Chromatique). âm giai đồng chuyển |
Hương Lam