Mới đây, Công an phường Trảng Dài (TP. Biên Hòa, Đồng Nai) đã làm việc với Trần Kim H. để xác minh liên quan clip bạo hành con gái hơn 1 tuổi dã man.
Tại cơ quan công an, H. thừa nhận mình là người trong clip đánh con gái ruột hơn 1 tuổi dã man ở phòng trọ. H. phân trần lý do đánh con là do mâu thuẫn của đối tượng với mẹ của đứa trẻ về trong việc làm giấy khai sinh chưa xong.
Được biết, bé gái 1 tuổi bị H. bạo hành là con của H. với người tình. Bất đồng, H. và người tình sống riêng. Để dằn mặt người tình không nghe lời, H. đánh con ruột của mình rồi quay video gửi đi.
Theo clip trên mạng, sự việc xảy ra vào tối ngày thứ 6 vừa qua, H. đã quăng quật bé gái xuống giường 2 lần khiến bé khóc thét. Ngay sau đó, có một người phụ nữ chạy lại gần ôm bé vào lòng.
Ngay sau khi clip phát tán trên mạng xã hội, lực lượng công an phường Trảng Dài đã vào cuộc và trưa cùng ngày đã mời H. lên làm việc. Hiện H. đã được cho về để cơ quan công an tiếp tục củng cố hồ sơ xử lý.
Trao đổi với PV Báo Người Đưa Tin, luật sư Phạm Hồng Kiên - Giám đốc Công ty Luật Cán Cân Việt (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Điều 20 Hiến pháp 2013 Việt Nam quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.
Cũng theo Hiến pháp năm 2013: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.
Điều này đã được cụ thể hóa trong Luật trẻ em 2016, theo đó: “Trẻ em là người dưới 16 tuổi, có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em”.
Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái. Theo đó, cha mẹ phải có nghĩa vụ yêu thương, tôn trọng ý kiến của con, chăm lo, giáo dục con, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc cho con.
Ngoài ra, theo Điều 2 Luật phòng, chống bạo lực gia định 2007 nêu rõ các hành vi bị cấm gồm có hành hạ, ngược đãi, đánh đập… xâm hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của các thành viên trong gia đình.
Như vậy có thể thấy, mọi hành vi đánh đập, ngược đãi, hành hạ … con cái của cha mẹ đều là hành vi vi phạm pháp luật. Bởi trẻ em là đối tượng mỏng manh, dễ bị tổn thương và không thể tự bảo vệ mình.
Trong trường hợp cụ thể như báo chí đưa tin, cha đánh con để dằn mặt tình địch, hay nói cách khác là trút giận lên con trẻ nhằm thỏa mãn lợi ích bất chính khác của chính mình thì càng đáng bị lên án.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Kiên cho biết đây là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm nên tùy vào mức độ, tính chất của việc đánh con, cha mẹ có thể bị xử phạt hành chính hoặc nặng hơn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP, một người sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em, gây tổn thương về mặt tinh thần, dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác và tinh thần.
Ngoài ra, Điều 49 Nghị định 167/2013/NĐ-CP cũng có quy định sẽ phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.
Không chỉ bị xử phạt hành chính, nếu cha mẹ đánh đập con cái còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội sau đây: Tội hành hạ người khác (Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015) với khung hình phạt cao nhất là 3 năm tù giam;
Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình (Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015) với khung hình phạt cao nhất là 05 năm tù giam.
Ngoài ra, nếu vì bị ngược đãi, thường xuyên bị đối xử tàn ác làm người đó tự sát thì có thể bị phạt tù cao nhất là 12 năm tù giam do phạm Tội bức tử quy định tại Điều 130 Bộ luật Hình sự 2015.