Ba bố con bị chó dữ tấn công
Mới đây, Khoa Ngoại - Chấn thương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện đang điều trị cho 3 trường hợp là bố và 2 con bị chó dữ tấn công với nhiều vết thương trên cơ thể.
Thông tin ban đầu vào ngày 30/12, các bệnh nhân được đưa đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng nhiều vết thương, xây xát, hoảng loạn, sợ hãi.
Bệnh nhân là anh Nguyễn Đức T, 32 tuổi, Nguyễn Đức H, (4 tuổi), Nguyễn Đức V (19 tháng tuổi), ở phường Cốc Lếu, Tp.Lào Cai. Các bác sỹ Khoa Cấp cứu đã xử lý vết thương ban đầu và chuyển các bệnh nhân đến Khoa Ngoại - Chấn thương điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Văn Bách, Khoa Ngoại - Chấn thương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, người bố bị rất nhiều vết thương chột do răng chó gây nên, xây xát vùng gối hai bên, bắp chân, cổ chân, lưng và cẳng tay 2 bên.
Bệnh nhi 19 tháng tuổi có 1 vết thương vùng chẩm gần 2cm, xây xát da vùng đầu. Bệnh nhi 4 tuổi có vết thương vùng đùi khoảng 2cm và nhiều vết xây xát.
"Hiện tại, chúng tôi điều trị kháng sinh, giảm đau và thay băng hằng ngày cho các bệnh nhân. Khoảng 4-5 ngày sau khi vết thương sạch chúng tôi mới có thể khâu vết thương. Đồng thời, chúng tôi đã tư vấn cho bệnh nhân tiêm phòng dại và uốn ván để tránh những nguy cơ", bác sĩ cho biết.
Khai thác tiền sử bệnh gia đình nạn nhân cho biết, anh T. và hai con đi lấy xe ô tô được gửi tại số 076, đường Nhạc Sơn, phường Cốc Lếu thì bất ngờ bị 2 con chó lao vào tấn công, chó dữ, to khoảng 30kg.
Khi bị chó tấn công, anh T. ôm hai con bảo vệ trong lòng nên bị rất nhiều vết cắn. Các nạn nhân bị chó kéo lê nên bị rất nhiều vết trầy xước. Gia đình cũng đã đưa nạn nhân đi tiêm huyết thanh kháng dại, vắc-xin phòng dại và vắc-xin uốn ván.
Cách phòng chó cắn
- Không được chọc ghẹo con chó: Khi chó đang ăn, đang ngủ, đang bị bệnh, đang bị buộc dây hoặc đang sinh hoạt với bạn tình. Con chó sẽ mất bình tĩnh khi có ai đó đụng chạm nó trong lúc này, nó có thể bất ngờ cắn.
- Tránh xa những con chó đang tức giận hoặc sợ hãi: Gặp những con chó đang tức giận bạn nên tránh càng xa càng tốt. Vì chúng có thể tấn công bất ngờ người đối diện.
Dấu hiệu chó tức giận là sẽ nhe răng ra, gầm gừ, mắt nhiều lòng trắng, tai dẹt lại, liếm môi liên tục.
Dấu hiệu chó sợ hãi là cái đuôi của nó sẽ cụp xuống ở giữa hai chân sau, chảy nước dãi, thở hổn hển, run sợ, mất kiểm soát ruột hoặc bàng quang, ị, tiểu bậy ra ngoài.
Đọc được ngôn ngữ hình thể của con chó để bà con kịp thời xử lý bằng cách tránh xa, để nó có không gian và thời gian bình tĩnh trở lại.
- Không nên bỏ chạy khi gặp chó dữ: Đừng di chuyển nếu con chó vừa sủa vừa chạy tới mình, nên đứng yên. Thường thì mọi người hay có hành vi bản năng là vung tay lên để dọa chó không cắn mình. Nhưng vung tay nhanh cũng kích thích chó cắn người.
Chó phản ứng rất nhanh với các chuyển động. Khi vung tay dễ bị tấn công vào ngực, vào cổ. Nên nắm chặt 2 bàn tay và duỗi thẳng, tuyệt đối không nhìn vào mắt chúng. Điều này sẽ làm cho chúng nghĩ chúng ta là một cái cây. Chó sẽ thấy chán nản, không cảm thấy bị đe dọa và bỏ đi.
Có nhiều trường hợp chúng sẽ tiến đến sát với vị trí chúng ta đang đứng. Thậm chí còn đánh hơi, tuy nhiên mục đích của chúng lại không phải là tấn công. Không nên quá căng thẳng.
Việc chúng ta cố chạy thoát sẽ làm đánh thức bản năng săn mồi của động vật. Tốc độ khi chạy của chó nhanh hơn con người rất nhiều. Mất bình tĩnh có thể bị chó cắn vì kích thích hành vi hung dữ của chúng.
Nếu bị té ngã, nằm cuộn người lại và giữ nguyên tư thế, không nhúc nhích, lúc đó toàn bộ thân thể trông giống như một tảng đá. Chó sẽ bỏ đi nếu chúng ta không phản ứng đối kháng với nó.
Theo Tuổi Trẻ, nếu chẳng may bị chó cắn, bà con phải nhanh chóng rửa vết thương bằng xà phòng và nước rồi đi ngay đến cơ sở y tế để khám, điều trị vết thương và chích ngừa dại.
Thông tin trên báo Lào Cai năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 1.434 trường hợp phơi nhiễm dại được tiêm vắc xin, 250 người phải tiêm huyết thanh kháng dại và có 1 trường hợp tử vong do dại.
Ngày 10/4/2023, UBND thành phố Lào Cai đã ban hành Văn bản 419/UBND-KT về việc khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật trên địa bàn. Trong đó, Chủ tịch UBND thành phố Lào Cai yêu cầu:
- Chủ nuôi chó, mèo thực hiện ký cam kết, quản lý chó nuôi tại gia đình theo quy định: Chủ nuôi chỉ nuôi trong khuôn viên gia đình, quản lý nuôi xích, nhốt, không thả rông chó, bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người chung quanh; tiêm vắcxin phòng bệnh dại cho chó theo quy định. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải đeo rọ mõm cho chó, có dây xích và có người dắt.
- Thành lập tổ, đội bắt giữ, xử lý chó thả rông và xử lý phạt vi phạm hành chính đối với chủ nuôi chó không chấp hành các quy định về nuôi động vật theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Thú y và Nghị định 04/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 31/2016/NĐ-CP ngày 06/5/2016 của Chính phủ, Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ. Kiên quyết xử lý cá chủ hộ nuôi chó không tiêm phòng và thả rông không rọ mõm.
Trúc Chi (t/h)