Câu chuyện thi đại học lại nóng hơn bao giờ hết khi mới đây, theo dự thảo quy chế tuyển sinh năm 2017, Bộ GD&ĐT dự kiến bỏ quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.
Theo đó, việc bỏ quy định về điểm sàn đồng nghĩa với việc trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học. Và đương nhiên, luôn có ít nhất hai trường hợp xảy ra trong mọi hoàn cảnh.
Trường hợp thứ nhất, đã có rất nhiều người nhìn thấy viễn cảnh các trường đại học “vơ bèo vạt tép”, bất chấp năng lực, nền tảng của thí sinh để tuyển sinh ồ ạt nhằm tạo nguồn thu cho trường.
Cũng từ đó, câu chuyện thất nghiệp của các ông cử, bà cử lại một lần nữa được đem ra để làm dẫn chứng thuyết phục nhằm phản bác lại dự thảo quy chế trên.
Sự lo lắng đó âu cũng hợp lí, hợp tình bởi thực trạng những năm gần đây, với cánh học sinh, chuyện đỗ đại học còn dễ hơn cả làm bài kiểm tra 15 phút trên lớp. Số lượng “ông nghè, ông cống cũng nằm co” còn nhiều hơn lá sấu rụng trên đường Hoàng Diệu.
Tuy nhiên, theo thói quen và sở thích “phản biện”, người ta chỉ tập trung xoáy sâu vào viễn cảnh trên mà bỏ bẵng đi những viễn cảnh còn lại.
Ở một diễn biến khác, khi được trao quyền chủ động, nhiều trường đại học sẽ được tự do đưa ra những chiến lược, kế hoạch để tuyển sinh sao cho phù hợp với đặc thù ngành nghề mà ngôi trường đó đào tạo.
Điều đó hoàn toàn có lợi cho những sinh viên tương lai và cho chính danh tiếng ngôi trường đó. Bởi kết quả thi đại học không phải yếu tố duy nhất để đánh giá năng lực của thí sinh cũng như để “đo” xem thí sinh đó liệu có “triển vọng” để theo đuổi ngành nghề mình đã chọn hay không. Vậy chẳng phải cánh cửa đại học tuy rộng mở nhưng cũng chỉ có những người phù hợp mới có thể “chui lọt” được hay sao?
Vả lại, có thể ở nước ta, chuyện mở cửa đầu vào, siết chặt đầu ra là “mới” nhưng với các nước phát triển trên thế giới, đó lại là định hướng giáo dục đã được áp dụng từ rất lâu.
Thiết nghĩ, “đấu trường” đại học cũng giống như thương trường. Thị trường mở cửa, người tiêu dùng, người kinh doanh sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Nhưng ngược lại, tính mở cửa, cạnh tranh sẽ cao sẽ giúp người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn. Và đương nhiên, để tận hưởng triệt để những lợi ích của việc mở cửa thị trường, chúng ta bắt buộc phải là người tiêu dùng thông thái.
Có thể thấy, bất cứ một công trình từ vi mô đến vĩ mô, muốn được hoàn thiện một cách đẹp đẽ, khang trang đều phải trải qua những giai đoạn ngổn ngang, lộn xộn.
Vì thế khi bỏ điểm sàn đại học, chắc chắn thời gian đầu chúng ta phải đối mặt với việc số lượng “ông bà cử” hay những người thất nghiệp tăng chóng mặt. Đó là cái giá dĩ nhiên phải trả cho việc thay đổi. Nhưng rồi chính sự thay đổi đó sẽ là “gậy ông đập lưng ông”, buộc các trường đại học kém chất lượng hoặc phải lột xác, thay đổi chính mình để thu hút thí sinh và tồn tại, hoặc “chết yểu”.
Vậy, chẳng phải dự thảo quy chế mới chính là “bản lề” cho sự sang trang mới của nền giáo dục hay sao?
Còn chuyện “loạn” hay không, điều đó phụ thuộc vào sự lựa chọn của các thí sinh chứ không phải phụ thuộc vào chính sách.
Trịnh Nguyên
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả