Theo ông Quân, do kết quả của kỳ thi tuyển sinh thấp hơn so với năm trước, cộng với thực tế nhiều trường top trung và dưới "đói" thí sinh, vì vậy chỉ có bỏ hoặc hạ điểm sàn chung mới có thể kéo các trường thoát khỏi "điệp khúc" thiếu chỉ tiêu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngành giáo dục, việc bỏ, hạ điểm sàn chung sẽ kéo theo hàng loạt những hệ lụỵ khó lường đối với giáo dục Việt Nam.
Trao quyền tự quyết cho trường
GS.TS Trần Hồng Quân cho rằng, tuy chưa có đánh giá tổng kết về kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 nhưng qua những thông tin ban đầu trên các phương tiện truyền thông đại chúng cho thấy, kết quả tuyển sinh năm nay nhìn chung thấp hơn so với năm trước. Cũng theo nhận định của các chuyên gia, một vài môn thi có kết quả rất kém, cá biệt điểm thi môn lịch sử thấp một cách không bình thường.
Đề xuất bỏ điểm sàn vào các trường đại học với thí sinh đã nhận được những ý kiến đa chiều
Với kết quả này, trên thực tế có thể sẽ không gây khó cho các trường ĐH thuộc tốp trên, nhưng với các trường thuộc tốp giữa và tốp dưới, trong đó có các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, địa phương sẽ có nguy cơ không tuyển đủ chỉ tiêu. Hệ quả kéo theo sẽ gây lãng phí cơ sở vật chất và năng lực đào tạo hiện có của nhiều trường. Vì vậy, Hiệp hội đã đề nghị Bộ Giáo dục & Đào tạo nhanh chóng nghiên cứu để sớm đổi mới thi, tuyển sinh cho phù hợp điều kiện mới, tiến tới bỏ điểm sàn chung trong tuyển sinh.
Hiệp hội đưa ra hai phương án. Thứ nhất, giao cho các trường ĐH, CĐ căn cứ vào chỉ tiêu được phân, khả năng nguồn tuyển, yêu cầu phát triển nhân lực của địa phương, của vùng mà kiến nghị điểm sàn cho trường mình, trình bộ duyệt. Ngoài ra, nếu vẫn giữ nguyên điểm sàn chung cho cả nước, thì phải chấp nhận điểm sàn tương đối thấp để có số dôi dư nguồn tuyển từ điểm sàn trở lên nhiều hơn năm trước mới thỏa mãn nhu cầu tuyển sinh của các trường.
GS Văn Như Cương, một "cây đại thụ" trong nền giáo dục Việt Nam đã lên tiếng ủng hộ. GS Cương cho biết: "Theo quan điểm của tôi, những học sinh có bằng tốt nghiệp phổ thông, chứng tỏ rằng họ đã vượt qua bậc học với những tiêu chuẩn đã quy định. Do đó họ có quyền được vào học đại học nếu trường đó nhận và hiển nhiên sẽ không tính đến chuyện điểm sàn”.
"Những ĐH có thương hiệu tốt, học sinh vào đó rất nhiều nên họ phải mở cuộc thi để kén chọn, 1000 người có khi chỉ lấy 10 hoặc 20 người. Còn những trường thuộc tốp dưới, học sinh có bằng tốt nghiệp sẽ được xét học bạ. Nếu đủ điều kiện, vượt qua vòng phỏng vấn sẽ nhận họ vào học. Tại sao lại phải đặt ra chuyện thi chung, điểm sàn chung?", GS Cương nói.
Cũng theo GS Cương, phương án giao quyền tự quyết cho các trường là hợp lý, cần áp dụng ngay trong năm học này. GS Cương dẫn chứng, một số trường ĐH nước ngoài có uy tín sang Việt Nam phỏng vấn học sinh. Họ chỉ yêu cầu bằng tốt nghiệp, xét học bạ Trung học phổ thông là nhận về nước đào tạo. "Theo tôi, họ làm như vậy là đúng vì theo họ học sinh Việt Nam chỉ cần có bằng tốt nghiệp là có đủ kiến thức cần thiết để học tiếp lên bậc ĐH ở nước họ. Như vậy, khái niệm điểm sàn chung cần phải được xóa bỏ", GS Cương kiến nghị.
"Nếu được phép sẽ nâng điểm sàn"
GS. TS Ngô Thế Chi, hiệu trưởng Học viện Tài chính thẳng thắn: "Đặt địa vị là người có quyền quyết định, chắc chắn tôi sẽ nâng điểm sàn lên cao hơn để đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH, CĐ. Theo GS Chi, chuyện điểm sàn chung đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo quy định từ nhiều năm nay. Mỗi người có một quan điểm, tuy nhiên vẫn phải giữ điểm sàn chung để đảm bảo chất lượng. Bỏ điểm sàn, giao quyền tự quyết cho các trường, họ tuyển lung tung ai sẽ đứng ra quản lý?".
"Vẫn biết điểm thi năm nay có thể thấp hơn mọi năm nhưng việc phải chấp nhận điểm sàn chung thấp để thỏa mãn nhu cầu tuyển sinh của các trường chắc chắn sẽ kéo chất lượng giáo dục xuống. Chúng ta nên chú trọng vào chất lượng hơn là chạy theo số lượng. Nếu thí sinh không đủ điểm sàn trúng tuyển ĐH, CĐ sẽ phải chấp nhận học trung cấp hoặc học nghề. Đó cũng là định hướng công việc cho tương lai", GS Chi nói.
Ông Nguyễn Phụ Vụ, phó hiệu trưởng trường ĐH Mỏ-Địa chất cho rằng, nhiều năm trở lại đây, việc thi theo hình thức 3 chung vẫn được áp dụng và ghi nhận nhiều điểm tích cực. Thực tế năm nay điểm thi thấp hơn mọi năm có thể do đề quá dài hoặc kiến thức khá rộng nên học sinh không làm được.
Thực chất, Nhà nước quy định điểm sàn đại học, cao đẳng nhưng việc lấy điểm chuẩn vẫn do các trường quyết định và họ chỉ báo cáo lên Bộ duyệt. Điểm sàn là mức chung được Bộ dựa trên căn cứ vào điểm của các trường để đưa ra, làm sao vừa đảm bảo công bằng nhưng vẫn tạo cơ hội cho tất cả các trường. Những trường không đủ chỉ tiêu có thể tuyển nguyện vọng 2, thậm chí nguyện vọng 3....
"Nếu bỏ điểm sàn chung, giao cho các trường tự đề xuất điểm chuẩn chắc chắn sẽ phát sinh nhiều vấn đề. Tôi nghĩ, điểm sàn đã được quy định nên chẳng có vấn đề gì, muốn thay đổi cả một kỳ thi sẽ rất khó nên cần nhiều thời gian để nghiên cứu tìm ra cách thích hợp nhất", ông Vụ khẳng định.
Chất lượng đầu vào thấp làm sao có thể đào tạo được?
"Trong tương lai, nếu không tổ chức thi 3 chung nữa có thể giao quyền cho từng trường, có trường tổ chức thi tuyển sinh, có trường thi chung thành cụm với những trường có đủ điều kiện hơn hoặc chỉ xét kết quả tốt nghiệp. Lúc đó sinh viên do các trường đào tạo ra sẽ do xã hội, thị trường lao động sàng lọc. Trường nào đào tạo cán bộ đáp ứng được yêu cầu xã hội sẽ tiếp nhận, còn nếu qua một vài khóa mang bằng của trường đi xin việc không đáp ứng được trường đó sẽ bị đào thải".
"Theo tôi, trong tương lai ý tưởng đó có thể thực hiện được nhưng hiện nay nếu đã thi 3 chung thì điểm sàn phải chung. Chúng ta không thể nhắm mắt "vét" thí sinh điểm quá thấp được vì như thế sẽ không đảm bảo chất lượng đào tạo. Các trường không nên quá cố gắng trong chuyện lấy đủ thí sinh. Nếu lấy điểm sàn quá thấp, như trường hợp thủ khoa chỉ có 12,5 điểm thì làm sao có thể đào tạo được. Khi đó, sinh viên ra trường sẽ chẳng có ý nghĩa gì".
(GS. TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên phó chủ nhiệm
Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Thanh - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội)
Anh Đức - Văn Chương