Bỏ đốt vàng mã: Tránh lãng phí, xóa nạn "đút lót" thánh thần?

Bỏ đốt vàng mã: Tránh lãng phí, xóa nạn "đút lót" thánh thần?

Nguyễn Thị Hương Lan

Nguyễn Thị Hương Lan

Thứ 7, 24/02/2018 15:00

Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa có công văn đề nghị các phật tử loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, nhiều chuyên gia cho rằng việc làm đó sẽ tránh được sự lãng phí và loại bỏ được mê tín dị đoan.

Trước công văn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam về đề nghị các chư tôn đức tăng ni tại chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện... tuyên truyền cho người dân bỏ tục đốt vàng mã, trao đổi với PV Người Đưa Tin, Đại đức Thích Bản Quyền, Chủ trì chùa Phước Long (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) cho rằng: “Trong Phật giáo không có tục đốt vàng mã, tín ngưỡng được du nhập từ Trung Quốc. Theo quan điểm của tôi, bỏ tục đốt vàng mã sẽ  tránh được tình trạng lãng phí cũng như loại bỏ mê tín dị đoan”.

Xã hội - Bỏ đốt vàng mã: Tránh lãng phí, xóa nạn 'đút lót' thánh thần?

Đốt vàng mã vừa tốn kém, vừa gây ô nhiễm môi trường (Ảnh Internet).

Đại đức Thích Bản Quyền nêu nhận định: “Nhiều phật tử quan niệm “trần sao âm vậy” nên cứ dịp gần Tết Nguyên Đán, mùa lễ hội đầu năm mới, nhiều người bày tỏ lòng tri ân, cảm tạ người đã khuất bằng việc đốt hàng mã. Đặc biệt, “phú quý sinh lễ nghĩa”, phật tử còn sắm nhà lầu, xe hơi, máy bay.... để “hóa” cho người âm. Tình trạng này vừa tốn kém, vừa gây ô nhiễm môi trường. Nhiều phật tử lạm dụng việc đốt vàng mã với mục đích “đút lót” thánh thần hơn là thành tâm”.

Nhận định về tục đốt vàng mã hiện nay, PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên Viện phó viện Văn hóa phát triển đánh giá: “Không ít phật tử hiểu sai về ý nghĩa của tập tục này, vừa không thể hiện lòng thành với cha ông, vừa lãng phí”.

Theo PGS. Lê Quý Đức, dân gian ta từ xưa vẫn quan niệm chết không phải là hết, vì thế chuyện người sống chia đồ cho người chết rất phổ biến, biểu hiện ở việc thời xa xưa, người chết thường được chôn cùng với những vật dụng lao động, tiền, vàng bạc, áo quần… Tuy nhiên sau này, cuộc sống phát triển hơn, con người nghĩ ra vàng mã để thay thế những thứ dụng cụ thật ấy để hóa theo người chết nhằm giảm chi phí tang ma, lễ bái.

“Vốn ý nghĩa của tập tục này là mong người chết cũng có được cuộc sống đủ đầy, điều đó cũng thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Nhưng hiện nay, nhiều người lại mua vàng mã về cúng, đốt với mục đích để nhận lại sự phù hộ của tổ tiên cho mình. Vì vậy họ nghĩ, đốt càng nhiều, càng được tổ tiên phù hộ nhiều. Đó là quan điểm sai lầm!”, PGS.Đức nhấn mạnh.

Trao đổi với báo chí, TS.Nguyễn Ngọc Mai, Trưởng phòng nghiên cứu Tín ngưỡng và các tôn giáo truyền thống (viện Nghiên cứu tôn giáo) cho biết, tục này bắt nguồn từ tục đốt vàng mã trong đám tang của người xưa và có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ý nghĩa ban đầu chỉ mang tính tượng trưng, tùy táng theo người chết mà thôi. Nhưng lâu dần việc này giống như một thói quen, người ta cứ sử dụng mà không hiểu ý nghĩa là gì. Chính vì thế nó mới bị biến thái và lạm dụng như ngày nay và cuối cùng hình thành tâm lý, người sống có cái gì thì người chết có cái đó. Đây là một hiện tượng xã hội xấu.

Theo TS.Nguyễn Ngọc Mai, để việc tuyên truyền, vận động phật tử không đốt vàng mã đạt hiệu quả thì nhân tố đầu tiên và rất quan trọng để thay đổi hành vi, nhận thức của người dân trong việc đốt vàng mã, đồ mã là sự tham gia vào cuộc của các sư trụ trì, các chủ cơ sở thờ tự, bởi họ là những người có vị thế, cũng là những người hiểu biết về các nghi thức để hướng dẫn cho người dân thực hành đúng.

Hương Lan

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.