Một quốc gia tiềm lực như Thổ Nhĩ Kỳ rất dễ dàng để mua những mẫu máy bay chiến đấu tốt nhất trên thế giới như F-35, Su-57, nhưng sức mạnh không quân của họ sẽ không có ý nghĩa gì khi không có đủ phi công để lái những chiến đấu cơ đó.
Trước những tranh cãi xoay quanh lệnh trừng phạt S-400 từ Mỹ khiến Thổ Nhĩ Kỳ bị loại khỏi chương trình phát triển tiêm kích tàng hình F-35, Tổng thống Erdogan đã phải tìm đến các lựa chọn Su-35, Su-57 thay thế từ Nga.
Tuy nhiên, cây bút Michael Peck trên National Interest cho rằng, Ankara trước hết hãy nghĩ đến việc bù đắp số lượng phi công đang thiếu hụt trong lực lượng không quân trước khi nghĩ đến việc sở hữu thêm những mẫu chiến đấu cơ đắt tiền.
Thiếu hụt phi công
Đào tạo một phi công lái máy bay chiến đấu được cho là có chi phí không hề rẻ. Không quân Mỹ ước tính rằng đào tạo một phi công mới để điều khiển mẫu máy bay như F-35 tiêu tốn đến 11 triệu USD.
Đấy là còn chưa nói, để trở thành một phi công lão luyện, họ phải tích lũy kinh nghiệm bay trong nhiều năm. Đó là lý do tại sao không quân Mỹ sẵn sàng đãi ngộ bằng các khoản tiền thưởng lên tới nửa triệu USD chỉ để giữ chân các phi công chiến đấu kỳ cựu.
Vì vậy, một quốc gia bắt giam các phi công chiến đấu như Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ lãng phí tiền bạc, mà còn lãng phí nguồn lực vô cùng quý giá.
Trong 3 năm trở lại đây, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã trừng phạt lực lượng không quân của họ đến mức khiến số lượng phi công giảm sút đáng kể và chỉ đủ để điều khiển các mẫu máy bay chiến đấu F-16 thay vì các loại chiến đấu cơ khác.
Nguyên nhân của vấn đề bắt đầu vào ngày 15/7/2016, khi một nhóm binh sĩ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phát động một cuộc đảo chính nhằm lật đổ Chính phủ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
Ở thời điểm đó, Tổng thống Erdogan đang đi nghỉ dưỡng và không có mặt ở Thủ đô. Sau khi nhận được tin báo, ông đã lên phi cơ quay trở lại Istanbul. Hai chiếc F-16 của không quân Thổ Nhĩ Kỳ thuộc phe đảo chính đã bám theo chuyên cơ của nhà lãnh đạo và đặt trong tầm ngắm. Tuy nhiên, nỗ lực ám sát ông Erdogan đã thất bại.
Cuộc đảo chính bị dập tắt nhanh chóng. Sau khi bình ổn tình hình đất nước, Chính phủ của Tổng thống Erdogan đã ra lệnh bắt giữ hàng loạt các binh sĩ, quan chức đứng đằng sau kế hoạch đảo chính nói trên. Tất nhiên, trong số đó có các phi công lái F-16.
Vô số sĩ quan cao cấp và các binh sĩ bị trừng phạt. Đáng chú ý trong đó là có hơn 300 phi công F-16 bị sa thải. Sự cố chính trị này đã khiến cho sức mạnh của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bị tổn hại đáng kể. Nó cũng để lại một câu hỏi hóc búa: Ai sẽ điều khiển máy bay chiến đấu cho Thổ Nhĩ Kỳ trong tương lai?
Loay hoay
Với cuộc chiến đang bước vào thời điểm dữ dội ở Syria, nơi các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đang kiểm soát các khu vực ở miền Bắc, đây dường như không phải là một thời điểm tốt để Ankara trừng phạt hàng loạt các phi công. Đặc biệt hơn, nước này còn đang muốn mua sắm hàng loạt chiến đấu cơ mới như F-35.
Trước tình thế khó khăn nói trên, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm kiếm các lựa chọn ở nước ngoài để bù đắp sự thiếu hụt. Tuy nhiên, Washington đã từ chối yêu cầu gửi các chuyên gia đào tạo đến giúp nước này, mặc dù các phi công Thổ Nhĩ Kỳ trước đó thường được đào tạo bay cơ bản tại Mỹ.
Liên quan đến tranh cãi thương vụ mua S-400 của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ không những bị tạm dừng chuyển giao các chiến đấu cơ F-35 mà cả hoạt động đào tạo phi công sử dụng tiêm kích tàng hình tiên tiến nhất cũng bị dừng lại.
Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ Pakistan, quốc gia đang sử dụng F-16, mặc dù động thái này có thể vi phạm quy tắc xuất khẩu vũ khí của Mỹ.
Trong một bước đi tuyệt vọng, "Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã ban hành một nghị định đe dọa 330 cựu phi công về việc sẽ thu hồi giấy phép lái may bay dân sự nếu họ không trở lại phục vụ không quân trong vòng bốn năm", theo một báo cáo của Hội đồng Đại Tây Dương .
"Một quyết định ép buộc các cựu phi công trở lại phục vụ sẽ ảnh hưởng đến nhuệ khí của lực lượng", báo cáo nhấn mạnh thêm.
Theo giới phân tích, trước những khó khăn về mặt nhân lực nói trên, công việc phải làm của Thổ Nhĩ Kỳ lúc này là tìm cách phát triển lại nguồn phi công trước khi bận tâm đến việc quay trở lại chương trình tiêm kích F-35 của Mỹ hay phân vân giữa Su-35 và Su-57 của Nga.