Bộ GD & ĐT có vô can với “ma trận” điểm hệ chữ?

Thứ 5, 27/12/2012 23:59

Rất nhiều sinh viên ra trường "vác" bảng điểm hệ chữ A, B, C, D của hình thức đào tạo theo tín chỉ đi xin việc đã gặp không ít khó khăn, thậm chí bị từ chối chỉ vì nhà tuyển dụng không hiểu được bảng điểm hệ chữ của sinh viên tốt nghiệp.

Nhà tuyển dụng ngơ ngác

Bạn Nguyễn Phương Thanh, cựu sinh viên Khoa Khoa học Quản lý (K51) - ĐH KHXHNV HN là một trong những nạn nhân của bảng điểm hệ chữ cho biết: "Em về xin việc ở Bắc Giang, họ không bán hồ sơ thi tuyển công chức, viên chức cho em chỉ vì cái bảng điểm chữ. Em rất thích học theo tín chỉ và cũng thích cách cho điểm mới A,B,C,D... nhưng ra trường đi xin việc em thấy nản quá". Bạn Thanh cũng cho rằng, hiện nay khi đi xin việc rất nhiều nơi không chấp nhận bảng điểm hệ chữ, đặc biệt là các cơ quan Nhà nước.

Bạn Phạm Thị Hạnh, sinh viên Khoa Ngôn ngữ (K51) - ĐH KHXH&NV Hà Nội cũng hết sức bức xúc khi chính bản thân mình đã gặp phải không ít khó dễ với bảng điểm. Hạnh cho biết: "Nhìn cái bảng điểm nhiều người chẳng hiểu mô tê gì. Đi xin việc, em thường xuyên phải giải thích cho người tuyển dụng hiểu. Phần chú thích phía dưới bảng điểm thì quá nhỏ, nếu may mắn nó được ngó tới thì người xem phải xem ngược lại tỉ mỉ rồi ước lượng”.

Sinh viên gặp trở ngại lớn khi trình bày với nhà tuyển dụng về "ma trận điểm". Ảnh minh họa

Bạn Mai Thanh Huyền cũng ra trường với bảng điểm hệ chữ. Huyền nộp hồ sơ xin làm giáo viên tại một trường Cao đẳng của Hưng Yên, nhưng người nhận hồ sơ của nói rằng: "Hiện nay, ở Hưng Yên vẫn xét tuyển công chức dựa theo điểm niên chế, nên bảng điểm này không được chấp nhận". Cũng may cho Huyền đã nhận được sự thông cảm của cơ quan nơi mình xin việc nên đã tạo điều kiện để Huyền quay trở lại trường xin thêm bảng điểm hệ 10 để bổ sung vào hồ sơ.

Ông Nguyễn Bá Công, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hà Nam tỏ ra rất ngạc nhiên khi nghe tên hình thức đào tạo theo tín chỉ. Ông Công cho biết tỉnh Hà Nam trong 3 năm nay chưa thi tuyển công chức, chỉ có xét tuyển viên chức. Hình thức xét tuyển theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT từ năm 2004.

Lấy điểm trung bình toàn khóa nhân hệ số 100. Ví dụ bằng khá có điểm tổng kết 7 phẩy tương đương với 70 điểm, con thương binh cộng thêm 30 điểm, bằng giỏi cộng thêm 10 điểm và lấy điểm từ cao xuống thấp. Đến nay, Sở chưa nhận được hướng dẫn nào về việc xét tuyển viên chức theo bảng điểm hệ 4. Nếu có bảng điểm hệ 4 thì sẽ phải quy ra hệ 10 để tính.

Thiếu đồng bộ

Đó là thực trạng chung của việc sinh viên ra trường có bảng điểm hệ chữ. Hầu hết người đi xin việc đều phải quay trở lại trường xin cấp lại bảng điểm hệ 10. Điều này rất bất lợi cho các cựu sinh viên trong cuộc đua vào công sở. Nhiều sinh viên ra trường bị mất đi cơ hội việc làm chỉ vì bảng điểm hệ chữ không được chấp nhận.

Nếu may mắn, có thể chỉ bị mất thời gian, chi phí đi lại và khoản phí 10 nghìn đồng cho 1 bảng điểm được cấp mới. Cho dù đây là một số tiền không lớn nhưng cũng là những chi phí mà đáng ra sinh viên không phải mất.

Anh Nguyễn Quang Đông, Sở Nội vụ Bắc Giang cho biết, theo quy định của Nhà nước, việc xét tuyển viên chức được tính theo thang điểm 10: "Khi gặp thang điểm chữ chúng tôi đã tham mưu với lãnh đạo và trao đổi trực tiếp với các thầy ở trường ĐH Quốc gia Hà Nội nên đã nhận được hướng dẫn quy đổi từ thang điểm chữ sang thang điểm 10.

Sở Nội vụ Bắc Giang vẫn nhận bảng điểm theo niên chế và tín chỉ, duy chỉ có điều các em phải quay lại trường để xin chuyển bảng điểm bằng số. Nhiều tỉnh cũng thấy băn khoăn với thang điểm chữ chứ không chỉ Bắc Giang.

Anh Đông cũng cho hay, “nếu em nào có bảng điểm là A,B,C,D thì được yêu cầu về trường làm cụ thể mức điểm sang A+ hay A, B+ hay B... để làm cơ sở so sánh với niên chế cho tương đối phù hợp. Từ hai năm nay chúng tôi đã gặp phải vấn đề này. Chúng tôi xét kết quả học tập của nhà trường để tuyển dụng. Trường nào cấp bảng điểm hệ 10 quy đổi sang hệ 100 rất dễ dàng, nhưng trường nào cấp bảng điểm hệ chữ đều phải yêu cầu các em quay về trường xác minh lại. Các em phải vất vả hơn một chút".

Thực tế là hàng loạt các em sinh viên ra trường gặp khó khăn với bảng điểm hệ chữ bởi các nhà tuyển dụng, đặc biệt các cơ quan Nhà nước tại địa phương không chấp nhận. ThS. Đinh Việt Hải , Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội đã quan tâm đến việc này từ 2 năm nay do nhận được không ít phản hồi của sinh viên ra trường về vấn đề này.

Ông Hải hiện đang lấy ý kiến của sinh viên và những người quan tâm đến giáo dục trên một diễn đàn mạng để có kiến nghị với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Ông Hải hy vọng Bộ GD&ĐT sẽ quan tâm đến những khó khăn, vướng mắc của sinh viên tốt nghiệp có bảng điểm hệ chữ để có biện pháp giải quyết.

Dễ có những nhầm lẫn nếu không in điểm cả “3 loại hệ”

"Vấn đề này là hậu quả của sự không đồng bộ. Ngành giáo dục đã chuyển đổi sang thang điểm 4 và điểm chữ, các ngành khác phải thích ứng với việc đó. Nhiều người thấy sinh viên được 3,2 điểm thì cho rằng em này học yếu quá; nhưng điểm tín chỉ 3,2 là điểm loại giỏi. Do vậy, phải có sự đồng bộ giữa các ngành trong xã hội. Trường ĐH Xây dựng in bảng điểm đồng thời cả 3 loại hệ (hệ chữ, hệ 4 và hệ 10) để người tuyển dụng chưa quen với điểm tín chỉ có thể nhìn vào điểm trung bình của thang điểm 10 để xem xét. Nhưng xét cho cùng, các cơ quan cũng phải cập nhật sự thay đổi của ngành giáo dục".

(Ông Phạm Duy Hòa, Phó hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng)

Lại Quỳnh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.