Liên quan đến dự thảo “sinh viên bán dâm 4 lần bị đuổi học”, Bộ trưởng bộ GD&ĐT đã chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, tập thể có liên quan. Bộ trưởng đã ký quyết định thành lập 3 Hội đồng kỷ luật số 19, 20 và 21. Ngày 16/1/2019 Hội đồng kỷ luật của Bộ đã họp và quyết định đề xuất xử lý kỷ luật các cán bộ có liên quan, trong đó có 1 cán bộ bị xử lý Cảnh cáo, 1 cán bộ bị xử lý Khiển trách và 1 cán bộ bị phê bình, kiểm điểm nghiêm khắc trước tập thể.
Mặc dù vậy, đề xuất kỷ luật của bộ GD&ĐT còn chưa đề cập tới trách nhiệm của người đứng đầu. Bởi lẽ, trong số 3 người bị đề xuất xử lý kỷ luật có 1 Vụ phó vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên. Ông này bị đề xuất xử lý bằng hình thức Cảnh cáo. Tuy nhiên, người đứng đầu của Vụ này lại chỉ phải nhận hình thức phê bình, kiểm điểm nghiêm khắc, theo quy định của Nghị định 34 và Luật Cán bộ công chức thì đó không phải là hình thức kỷ luật.
Ngoài ra, dư luận cũng cho rằng, bộ GD&ĐT cần tiếp tục xử lý những đề án, văn bản đã ban hành sai quy định, sai thẩm quyền và phải thu hồi.
Tiêu biểu trong số đó là ngày 17/4/2018, bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 1475/QĐ-BGDĐT về việc phê duyệt Đề án “Đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020”. Ngay sau khi Quyết định được ký ban hành, các cơ quan thông tấn báo chí đã vào cuộc phản ánh về những sai phạm của Đề án: Trong đó có sai phạm về thẩm quyền ban hành, sai phạm về vấn đề tài chính với tổng mức đầu tư lên đến hơn 749 tỷ đồng chi trong 3 năm.
Sau khi báo chí phản ánh, lãnh đạo Bộ đã nhận có sai sót đối với việc phê duyệt đề án này và đã chỉ đạo thu hồi ngay quyết định phê duyệt Đề án, ban hành Quyết định số 1907/QĐ-BGDĐT ngày 22/05/2018 thu hồi Quyết định số 1475/QĐ-BGDĐT ngày 17/4/2018 về việc phê duyệt Đề án “Đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020”.
Nói về đề án này, một nguồn tin của báo Người Đưa Tin cho hay: “Bộ phận soạn thảo đề án này đã vi phạm ngay từ khâu chuẩn bị. Theo quy trình, trước khi ban hành phải thông qua vụ Kế hoạch – Tài chính (bộ GD&ĐT), tuy nhiên bộ phận soạn thảo đã không thông qua Vụ này để phê duyệt trước khi trình lãnh đạo Bộ ký ban hành”.
“Đề án này còn có những sai phạm nghiêm trọng trong quy trình thẩm định, ban hành, đặc biệt là với tổng chi phí đầu tư hơn 749 tỷ đồng nhưng không được thẩm định và đồng thuận của cơ quan quản lý tài chính của Bộ. Tuy nhiên, bằng cách nào đó Đề án vẫn được phê duyệt”, người này cho biết thêm.
Mặc dù có những sai phạm nghiêm trọng như trên, nhưng từ khi phát hiện sai phạm và ra quyết định thu hồi đến nay đã hơn 7 tháng vẫn chưa có động thái nào từ lãnh đạo Bộ về việc xem xét, xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân liên quan. Dư luận đang đặt câu hỏi và mong muốn có sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ trong vụ việc này.
Thảo Linh