Vừa qua, ngày 4/11, bộ GD&ĐT có công văn do TS. Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học, bộ GD&ĐT ký, gửi trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Công văn yêu cầu nhà trường rà soát, báo cáo việc sử dụng giáo trình.
Công văn nêu rõ, Điểm c, Khoản 2, Điều 36, Luật Giáo dục đại học quy định: “Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn, duyệt giáo trình giáo dục đại học để sử dụng làm tài liệu giảng dạy, học tập trong cơ sở giáo dục trên cơ sở thẩm định của hội đồng thẩm định giáo trình do hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học thành lập".
Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 04/2011/TT-BGDĐT ngày 28/1/2011 quy định việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình giáo dục đại học.
Bộ GD&DT yêu cầu trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội dừng ngay việc sử dụng, lưu hành, đồng thời thu hồi các giáo trình, tài liệu có nội dung ảnh hưởng quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng hoặc có nội dung xuyên tạc lịch sử, ảnh hưởng xấu đến văn hóa, đạo đức, thuần phong, mỹ tục và đoàn kết các dân tộc Việt Nam, hòa bình, an ninh thế giới hoặc có nội dung truyền bá tôn giáo.
Bên cạnh đó, bộ GD&ĐT cũng yêu cầu nhà trường tổ chức rà soát toàn bộ quy trình lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình tại trường, đảm bảo đúng quy định. Nhà trường báo cáo bộ GD&ĐT trước ngày 5/11.
Theo đó, trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cần khẩn trương làm rõ sai phạm của cá nhân, đơn vị liên quan và có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm minh, đúng theo quy định của pháp luật, báo cáo bộ GD&ĐT trước ngày 5/2/2020.
Trước đó, theo phản ánh của sinh viên, bài 7 (trang 36) của cuốn giáo trình Đọc sơ cấp 1 “Developing Chinese” được sử dụng cho giảng viên, sinh viên khoa Tiếng Trung và Tiếng Nhật trường đại học Kinh Doanh và Công nghệ có in hình bản đồ Trung Quốc kèm “đường lưỡi bò” phi pháp ôm gần trọn biển Đông.
Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã thu hồi 3 cuốn giáo trình có hình "đường lưỡi bò" phi pháp này. Đó là cuốn "Elementary Reading and Writing Course" (Đọc - Viết) có hình ảnh "đường lưỡi bò" phi pháp được in to, rõ nét; Cuốn "Elementary Listening Course" (Nghe) có hình ảnh "đường lưỡi bò" phi pháp in nhỏ, mờ; Cuốn giáo trình Tổng quan về Trung Quốc, NXB Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh, 2018, ghi quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam thành Tây Sa, quần đảo Trường Sa ghi sai là Nam Sa.
Trao đổi với báo chí, ông Vũ Văn Hoá, Phó Hiệu trưởng trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, phòng An ninh Chính trị nội bộ (PA03), Công an Hà Nội, đã làm việc với nhà trường về cuốn giáo trình có in "đường lưỡi bò" phi pháp.
Trước đó, ông Hóa cho rằng để lọt hình ảnh "đường lưỡi bò" phi pháp trong giáo trình không phải lỗi của trường mà do các cơ quan khác. Ông nói cần có cơ quan kiểm soát sách giáo khoa, giáo trình mua từ nước ngoài và việc này thuộc về nhà nước chứ không phải của trường.
Nhiều giảng viên, chuyên gia cho rằng việc để giáo trình có hình "đường lưỡi bò" phi pháp, lỗi do trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Nhà trường không cầu thị và vô trách nhiệm khi đổ lỗi.
Tuy nhiên, dù khoa Tiếng Trung - Tiếng Nhật nhận lỗi, lãnh đạo trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vẫn chưa lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ việc.
Thủy Tiên