Bằng Havard "xịn" nhưng... không có giá trị!
Vấn đề bằng cấp do trường đại học nước ngoài cấp vẫn luôn nóng. Chỉ cần một vài thao tác đơn giản PV đã có trong tay những địa chỉ sẵn sàng cung cấp bằng giả nước ngoài. Từ bằng ở các trường nổi tiếng như Mỹ, Anh, Úc đến Đức, Pháp, Singapore... Tất cả chỉ bằng một cú điện thoại và 7 ngày sau sẽ có một tấm bằng và bảng điểm đẹp như mơ.
Dư luận vẫn còn xôn xao về chuyện một vị nguyên là thứ trưởng bộ Y tế bị nghi ngờ sử dụng bằng tiến sĩ dược rởm. Còn bằng đại học Đức của "quả bom" Lý Nhã Kỳ cũng bị cho là giả.
TS. Phạm Hùng Cường, phó hiệu trưởng trường đại học Xây dựng Hà Nội còn chia sẻ thêm thông tin: "Ở nước ngoài có những công ty chuyên sản xuất bằng. Nó được gọi là trường sản xuất bằng. Đó là một tổ chức đóng thuế cho Chính phủ và có quyền được cấp bằng nhưng không phải là bằng có giá trị, người ta không công nhận giá trị của nó. Nó là bằng thật, nhưng không có giá trị, không được xếp hạng. Việc cấp bằng này chỉ có tính thương mại hoá thôi".
Tuy nhiên, mới đây bộ GD&ĐT đưa ra văn bản khiến nhiều người quan tâm, theo đó công nhận các loại bằng nước ngoài ở Việt Nam. Người đề nghị công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp phải nộp phí theo quy định của bộ Tài chính. Đây là điểm mới được bổ sung trong quy định về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp vừa được bộ GD&ĐT ban hành.
Bộ cũng cho hay, thủ tục công nhận bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ và bằng tiến sĩ, bộ GD&ĐT quy định sau khi nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (bộ GD&ĐT), cấp giấy biên nhận cho người nộp hồ sơ, nếu hồ sơ được gửi qua đường bưu điện thì căn cứ vào dấu bưu điện để xác định ngày nhận hồ sơ.
Đã xuất hiện đường dây làm bằng ngoại rởm! Cuối năm 2012, phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), công an TP.HCM thông báo truy tìm Đồng Sĩ Phụng (43 tuổi) cùng vợ là Phạm Thị Ngọc Hân (32 tuổi, đều ngụ Q.Gò Vấp), do liên quan đến vụ làm giả và buôn bán các loại văn bằng của cơ sở giáo dục nước ngoài. Hai đối tượng này lập mạng www.bangdaihoc.com hướng dẫn người Việt Nam mua các loại văn bằng của cơ sở giáo dục nước ngoài. Phụng đóng vai trò trung gian và đặt mua văn bằng giả với các công ty nước ngoài, thông qua hai trang website phonnydiploma.com, diplomacompany.com. Từ năm 2011 đến nay, Phụng và Hân đã cung cấp nhiều bằng cấp nước ngoài giả cho khách hàng, thu lợi hơn 1,2 tỷ đồng. Cơ quan công an đã triệu tập Phụng và Hân lên làm việc, nhưng cả hai đã bỏ đi khỏi nơi cư trú. |
Trong thời gian không quá 30 ngày làm việc, trên cơ sở quy định về tuyển sinh, chương trình đào tạo, hệ thống văn bằng của nước cấp văn bằng, cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục phối hợp với các đơn vị có liên quan xem xét xử lý hồ sơ để công nhận văn bằng phù hợp với một trong các loại văn bằng của Việt Nam.
Trường hợp văn bằng đề nghị công nhận không phù hợp với một trong các loại văn bằng của Việt Nam, cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục trả lời bằng văn bản cho người đề nghị công nhận văn bằng, cung cấp thêm thông tin và công nhận giá trị thực tế của văn bằng trong hệ thống giáo dục của nước cấp bằng.
Trường hợp văn bằng không đủ điều kiện để được công nhận, cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục trả lời bằng văn bản cho người đề nghị công nhận văn bằng nêu rõ lý do không công nhận. Các quy định mới được thực hiện kể từ ngày 30/8/2013.
Quy định này của Bộ cũng khiến nhiều cô chiêu cậu ấm không thể đỗ đại học trong nước, "vác tiền" ra nước ngoài du học cảm thấy khấp khởi mừng thầm. Bởi nhiều người trong số họ vác tiền ra nước ngoài học nhưng chỉ là học ở những trường địa phương, chất lượng đào tạo "phọt phẹt" và tặc lưỡi "cốt được tấm bằng ngoại".
Phải phân loại được thực chất bằng cấp
Trong một bài phỏng vấn gần đây, vị phó cục trưởng cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng cho biết: "Bằng cấp của người Việt Nam do các cơ sở giáo dục nước ngoài cấp, về nguyên tắc không bị bắt buộc phải đến cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục để kiểm định và công nhận. Chỉ khi cơ quan quản lý yêu cầu thì người được cấp bằng mới đến để thẩm định".
Điều này có nghĩa là nếu cơ quan quản lý không yêu cầu thì người sử dụng văn bằng "rởm" cứ... ung dung tại vị. Và dư luận đặt ra câu hỏi, nếu có người tố bằng giả thì cơ quan chức năng có kiểm tra không?
Cũng theo chia sẻ của TS.Phạm Hùng Cường thì một bằng thạc sĩ, tiến sĩ do cơ sở nước ngoài cấp có thể thật 100% với tên cơ sở và con dấu được đăng ký chính thức tại nước sở tại. Tuy nhiên nó lại "rởm" 100% vì nước sở tại không đưa văn bằng đó vào hệ thống văn bằng chuẩn quốc gia của họ. Nói cách khác những văn bằng "ngoài luồng" đó không được công nhận là văn bản hợp pháp để công dân được hưởng các chế độ mà văn bằng hợp chuẩn mang lại. Tuy nhiên, nếu không kiểm tra, thẩm định thì tấm bằng đó có thể "bịp mắt" được khá nhiều người.
Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, TS.Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: "Chuyện bằng cấp ở nước ta có quá nhiều mảng lập lờ. Tôi biết nhiều người, khi ở trong nước thì học rất kém, thậm chỉ thi đại học không đủ điểm sàn nhưng chỉ sau một thời gian ra nước ngoài, họ đã có trong tay tấm bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi. Và, cách đây không lâu một vị giám đốc quê ở Phú Thọ cũng khoe khoang về tấm bằng tiến sỹ nước ngoài của mình. Anh ta tự hào nói rằng, mất rất nhiều thời gian công sức mới bảo vệ thành công và mang về tấm bằng danh giá. Tuy nhiên một thời gian sau, cơ quan chức năng thẩm định, mọi người mới tá hỏa tấm bằng đó là giả”.
Chính vì vậy, liên quan đến vấn đề công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp, TS.Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, có hai vấn đề cần phải hiểu thấu đáo. "Thứ nhất, chúng ta có quyền được công nhận bằng của nước nào trường nào. Ví dụ như ngay ở Pháp, không phải trường cấp III nào của chúng ta cũng được bạn công nhận và chấp nhận cho theo học đại học tại Pháp. Không phải mình làm mà thế giới cũng làm để nâng cao uy tín. Thứ hai là chúng ta phải làm để giúp cho người dân phân biệt được những trường có chất lượng và những trường chất lượng kém, nhiều khi là trường "rởm" không cần học chỉ cần thu đủ tiền và cấp bằng. Đấy là một cách ngăn chặn để người đi học phải tìm hiểu thật kỹ càng xem nơi mình định đi học có đáng tin hay không, trường đó có được xếp hạng hay chỉ là "vô danh tiểu tốt". Không phải cứ sính ngoại, ngoại ký là thấy bằng lòng".
TS. Nguyễn Tùng Lâm cũng nêu vấn đề khác, rất đáng quan tâm: "Vấn đề bằng cấp tại Việt Nam hiện nay đã rất đáng lo ngại. Bộ GD&ĐT cần tăng cường thông tin tuyên truyền về nguyên tắc xem xét bằng cấp nước ngoài chứ không phải người dân mất tiền mang về thì mới xem xét thừa nhận hay không. Đồng thời Bộ nên có thêm thông tin về các trường đại học ở nước ngoài, tránh việc học viên thiếu thông tin, tốn tiền ra nước ngoài chỉ để học ở những trường kém chất lượng".
Đồng quan điểm với TS. Nguyễn Tùng Lâm, TS.Phạm Hùng Cường cho hay, những tấm bằng ở nước ngoài không hẳn tất cả đều tốt, có những bằng nước ngoài nhưng chỉ là bằng của trường địa phương. Vì thế, bộ GD&ĐT thực hiện xếp loại bằng cũng là cần thiết. "Nếu chưa có một quy chuẩn tương đương giữa các loại bằng thì việc công nhận ấy là khó nhận được sự đồng thuận. Phải biết chất lượng của trường nước ngoài ấy như thế nào thì mới dám công nhận tương đương được. Phải cân nhắc cẩn thận trong việc công nhận bằng nước ngoài vào Việt Nam, đây là việc làm không thể tuỳ tiện được", TS.Phạm Hùng Cường nói.
Thành Huế