Bộ GD&ĐT đã buông lỏng, chuyển nghề cho sinh viên sư phạm sẽ khó

Bộ GD&ĐT đã buông lỏng, chuyển nghề cho sinh viên sư phạm sẽ khó

Hà Công Luân

Hà Công Luân

Chủ nhật, 20/08/2017 06:30

Trước đề xuất của Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ về việc chuyển sinh viên được đào tạo ngành Sư phạm sang nghề khác, nhiều chuyên gia đã tỏ ra lo ngại về tính khả thi.

Tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ngày 17/8, Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cam kết sẽ siết chặt chất lượng đào tạo ngành Sư phạm và giải quyết căn cơ tình trạng dôi dư nguồn nhân lực của ngành.

Một trong những giải pháp Bộ trưởng đưa ra là, sẽ chỉ đạo các trường sư phạm và các trường có ngành liên quan, tìm hiểu nhu cầu của thị trường đang rất cần lao động. Ví dụ như công nghệ thông tin, du lịch, một số ngành nghề khác, có chương trình như chuyển đổi để khi giáo sinh đã tốt nghiệp bằng đại học Sư phạm, chỉ bổ túc những tín chỉ có thể đáp ứng nhu cầu của các lĩnh vực khác...

Trước ý kiến này, ông Nguyễn Xuân Sang, Phó Hiệu trưởng Thường trực trường cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội cho rằng: “Đây cũng là một hướng, nhưng sẽ khó vì những sinh viên học ngành Sư phạm có vẻ thích ứng với việc chuyển đổi nghề nghiệp chậm hơn các ngành khác do đặc thù nghề nghiệp”.

Xã hội - Bộ GD&ĐT đã buông lỏng, chuyển nghề cho sinh viên sư phạm sẽ khó

Ông Nguyễn Xuân Sang.

Đồng quan điểm về việc này, ông Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam nói: “Hiện nay, sinh viên tốt nghiệp ngành Sư phạm đi xin việc đúng nghề đã rất khó, đi tìm các việc trái nghề còn khó hơn. Trong khi đó, các trường phổ thông hiện còn rất nhiều giáo viên dạy hợp đồng và phải chờ đợi nhiều năm nay nhưng không có biên chế để được tuyển dụng chính thức.

Phương án đầu tiên phải tính đến là việc điều động lượng giáo sinh dôi dư. Không phải chỗ nào cũng thừa, có những địa phương thiếu giáo viên rất nhiều. Ta phải tạo chính sách để điều động số giáo sinh này. Sau khi điều động mà vẫn dôi dư thì mới tính đến phương án chuyển nghề. Bởi lẽ, sinh viên sư phạm khi chuyển đổi sẽ chậm thích nghi và gây lãng phí lớn”.

Về nguyên nhân dẫn tới tình trạng dôi dư giáo sinh, ông Nguyễn Xuân Sang cho rằng: “Bộ GD&ĐT đã buông lỏng trong việc đào tạo giáo viên, ở góc độ nào đó chưa đánh giá hết những hệ quả của việc đào tạo một lượng giáo viên lớn dẫn đến dư thừa. Việc đào tạo như vậy cũng xuất phát từ chuẩn đầu vào thấp. Như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mới phê bình, Bộ chưa nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về đào tạo ngành Sư phạm. Như vậy, trách nhiệm trước hết là thuộc bộ GD&ĐT”.

“Bộ không chủ động được trong dự báo nên rơi vào thế bị động, cứ ngành nào dư thừa mới đi tìm giải pháp. Thông thường, nguồn nhân lực bao giờ cũng gắn với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, từ đó dự báo xu hướng sử dụng để đào tạo. Trong các lĩnh vực, đào tạo ngành Sư phạm để có những thế hệ thầy giáo giỏi là vô cùng quan trọng, phải có tính nhất quán trong chỉ đạo và không nên buông lỏng”, ông Sang cho hay.

Ông Phạm Tất Dong đề xuất giải pháp: “Đầu ra đảm bảo là yếu tố quyết định. Chúng ta chưa đánh giá được thật sát nhu cầu nhân lực trong ngành Sư phạm nên thừa, thiếu cục bộ. Không thể nói dạy tốt mà lại thiếu giáo viên. Phải đánh giá, khảo sát giáo viên của từng cấp, từng môn, xem giáo viên nào có thể chuyển đổi được thì chuyển đổi; tiến tới xem xét chuẩn hóa nâng dần trình độ lên.

Chúng ta không cần nhiều trường sư phạm như vậy, cần xem xét sáp nhập hoặc giải thể. Điều quan trọng nhất là chất lượng giáo viên, việc này bao lâu nay chúng ta không giải quyết được. Bây giờ ta phải giảm số lượng và hiện đại hóa các trường sư phạm, đặc biệt, trong chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể sắp tới. Cuối cùng, chúng ta phải nâng cao chính sách đãi ngộ đối với giáo viên, để tạo sức hút cho ngành”.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.