Tăng cường phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh
Ngày 4/5, Bộ GD&ĐT có Công điện gửi Giám đốc các sở GD-ĐT về việc tăng cường phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh. Theo đó, thực hiện Công điện số 398/CĐ-TTg ngày 2/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng, chống đuối nước trẻ em, Bộ GD&ĐT đề nghị Giám đốc các sở GD&ĐT tăng cường quán triệt, triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước đối với trẻ em, học sinh.
Mở đợt cao điểm triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức để học sinh biết và tuân thủ các quy định về phòng, chống đuối nước, nhất là nhận biết các địa điểm tiềm ẩn nguy cơ đuối nước; triển khai, hướng dẫn việc phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng trường học, lớp học trước khi học sinh nghỉ hè; đẩy mạnh phong trào dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn cho học sinh trong trường học.
Chỉ đạo tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình, đoàn thể và chính quyền địa phương để quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ học, nghỉ hè, bảo đảm an toàn, phòng, chống đuối nước.
Tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố ban hành chương trình, kế hoạch, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đảm đảm bảo các điều kiện dạy, học bơi trong các cơ sở giáo dục; có chính sách hỗ trợ, giảm giá vé, chi phí học bơi, rèn luyện kỹ năng bơi an toàn, các dịch vụ liên quan cho học sinh.
Đề nghị các Sở GD&ĐT chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội dung nêu trên và báo cáo kết quả triển khai về Bộ GD&ĐT trước ngày 10/6/2022.
Làm gì để phòng tránh đuối nước?
Hàng năm, có không ít câu chuyện thương tâm về tai nạn sông hồ xảy ra, gây nên biết bao sự bàng hoàng trong dư luận. Đó là hồi chuông cảnh tỉnh đối với bậc phụ huynh và những người có trách nhiệm. Vì vậy, chúng ta cần có các biện pháp phòng tránh và trang bị kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước để giảm thiểu tỷ lệ tử vong do nguyên nhân này.
Trang bị kỹ năng bơi lội: Dù là người lớn hay trẻ nhỏ bạn đều cần phải được trang bị các kỹ năng bơi lội cũng như cách thoát khỏi đuối nước. Phụ huynh nên cho con đến các trung tâm học bơi chuyên nghiệp để được dạy về cách khởi động, cách xử lý tình huống khi bị chuột rút, cách xử lý khi bơi vào vùng nước xoáy…. Tuy nhiên, việc học bơi cần phụ thuộc vào sức khỏe, thể trạng của từng trẻ nhỏ.
Cảnh báo về nguy cơ khi tắm suối, sông, hồ, biển: Ở Việt Nam, với hệ thống ao hồ, sông ngòi, cống rãnh chằng chịt, bờ biển dài thì nguy cơ đuối nước luôn rình rập. Vì vậy, bên cạnh việc dạy trẻ bơi, người lớn cần ý thức giám sát và cảnh báo cho trẻ nguy cơ bị đuối nước khi tắm ở suối, sông, hồ,....
Đối với các vùng miền núi hay vùng bị ảnh hưởng của lũ quét, cần phải chấp hành đúng hướng dẫn sơ tán của chính quyền địa phương trước khi lũ xảy ra. Tuyệt đối không được bơi trong dòng nước lũ và trẻ em phải luôn được người lớn trông coi, giám sát cẩn thận.
Thực tế biết bơi thôi cũng chưa hẳn đã an toàn. Bởi thời gian qua có nhiều trường hợp người lớn dù bơi thành thạo cũng vẫn bị đuối nước dẫn đến tử vong nếu chủ quan, lơ là.
Chấp hành quy định khi tham gia giao thông đường thủy: Phương tiện giao thông đường thủy là một trong những phương tiện giao thông quan trọng ở nước ta. Người dân thường sử dụng phương tiện giao thông đường thủy trong những hoạt động hàng ngày như đi làm, đưa trẻ em đi học, đi chợ, buôn bán... Để đảm bảo an toàn, khi tham gia bất cứ hoạt động đường thủy nào cũng phải mặc áo phao. Ngoài ra, trên tàu thuyền cũng phải được trang bị đủ số lượng các thiết bị cứu hộ đảm bảo tiêu chuẩn để sử dụng khi có tai nạn xảy ra.
Trang bị kỹ năng cứu người đuối nước: Mọi người cần được trang bị các kỹ năng cứu hộ, sơ cứu người bị đuối nước. Cụ thể, khi phát hiện có người bị đuối nước, cần hô hoán để nhiều người có thể nghe được chạy đến trợ giúp. Người không biết bơi tuyệt đối không bao giờ được nhảy xuống biển, ao, hồ, sông sâu để cứu người bị tai nạn đuối nước. Khi cứu người bị đuối nước, cần phải có thuyền, cây, dây, phao hoặc can nhựa để làm phao...
Đặc biêt, người có khả năng bơi lội tốt có thể xuống nước để cứu người, đây là giải pháp cuối cùng khi không còn giải pháp nào khác, bởi vì thực tế đã có nhiều trường hợp người cứu nạn do chưa hiểu biết về các phương pháp cấp cứu thủy nạn, nên bị nạn nhân ôm cứng và cả hai cùng chìm,…
Tạo môi trường sống an toàn: Không chỉ ở trường học, nơi công cộng mà ở mỗi gia đình cần thực hiện các biện pháp đơn giản nhất như đậy nắp bảo vệ ở giếng nước, bể nước, hồ thoát nước...; làm rào chắn với các thanh chắn theo chiều dọc. Chú ý nên thoát nước từ những thùng nước to hay san lấp các ao hồ không cần thiết sử dụng. Điều này giúp đảm bảo trẻ không thể mở ra, tránh trường hợp trẻ bị ngã vào bể dẫn đến ngạt nước.
Trúc Chi (t/h theo Lao Động, Dân Sinh)