Đề xuất giáo viên mầm non nghỉ hưu tuổi 55
Tại cuộc hội thảo về kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng chính sách bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non do Bộ GD&ĐT tổ chức sáng 22/11, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), cho rằng hiện nay quy định về tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non là 60 tuổi, không phù hợp với đặc thù lao động của nhà giáo cấp học mầm non. Do đó, Bộ GD&ĐT phối hợp với bộ, ngành liên quan đề xuất cho phép giữ tuổi nghỉ hưu với giáo viên mầm non là 55 tuổi.
Đề xuất của Bộ GD&ĐT đang nhận được sự đồng tình của đội ngũ giáo viên. Cô Lê Thị Thu Hằng, giáo viên chủ nhiệm lớp B4 (mẫu giáo 4 tuổi), Trường mầm non Chăm Mát (Tp.Hòa Bình) năm nay 54 tuổi. Dù sức khỏe vẫn tốt, kinh nghiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ không thua kém các giáo viên trẻ nhưng cô Hải thừa nhận, ở tuổi ngoài 50 không thể tinh nhanh bằng thế hệ sau, nhất là vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động giáo dục.
Từ thực tế của bản thân, cô Hằng cho rằng, với giáo viên mầm non nên nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi. Dạy trẻ mầm non, ngoài yếu tố kinh nghiệm cần cả sự tinh nhanh và phản xạ tốt để bảo đảm an toàn cho trẻ. Mà yếu tố này sẽ ngày càng kém khi qua tuổi 50.
“Hơn nữa, ở tuổi 59-60, trẻ sẽ gọi cô là bà giáo hơn là cô giáo. Về mặt tâm lý cả trẻ và phụ huynh đều thích cô giáo trẻ hơn”, cô Hằng nói.
Trong khi đó, cô Phạm Thị Vân, Chuyên viên phụ trách giáo dục mầm non, Phòng GD&ĐT Mù Cang Chải (Yên Bái) gọi giáo viên mầm non là đa di năng khi các cô phải làm tất cả công việc từ múa hát, chạy nhảy, cho đến chăm sóc, giáo dục trẻ. Vì thế, khi tuổi cao, các cô sẽ ngại tham gia các hoạt động này.
Bà Khúc Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bà Triệu (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội cũng chia sẻ: “Đề xuất giữ tuổi nghỉ hưu với giáo viên mầm non là 55 tuổi rất phù hợp với đặc thù của công việc, cũng là mong muốn của giáo viên trường tôi. Nếu kéo dài đến 60 tuổi thì phần lớn các cô không còn hát múa, chơi trò chơi mà trẻ yêu thích nữa. Do vậy, giữ nguyên tuổi nghỉ hưu không phải chỉ vì quyền lợi của giáo viên mà còn vì chính trẻ em”…
Dưới góc độ chuyên gia, PGS.TS Bùi Thị Lâm, Trưởng khoa Giáo dục Mầm non, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay, giáo viên mầm non làm công việc nặng nhọc và chịu nhiều áp lực. Tuổi càng cao, sức khỏe càng suy giảm nên có thể không bảo đảm được chất lượng chăm sóc, giáo dục; đặc biệt là bảo đảm an toàn cho trẻ.
Vấn đề này cũng rất được người dân quan tâm, bạn đọc có tên Doãn Vân phân tích rất hợp tình hợp lý: “60 tuổi mới về hưu sẽ nhớ nhớ quên quên, thế hệ học sinh càng về sau có nhiều hoạt động, năng động, giáo viên sau tuổi 55 sẽ không theo kịp. Cũng chẳng học sinh nào muốn học thầy cô già nua, nói thì thều thào và leo cầu thang đến phòng học thở hổn hển bở hơi tai...
Nên để tất cả giáo viên về hưu tuổi 55 hoặc để giáo viên tự nguyện tiếp tục giảng dạy nếu họ đủ sức và nhiệt huyết, cũng là nhường cơ hội cho lớp trẻ. Giáo viên già có kinh nghiệm nhưng không còn sức dạy, nhiệt huyết giảm thì chất lượng giảng dạy sẽ hạn chế”.
Bạn đọc Thanh Hải Ngô cũng cho rằng: “Trừ giảng viên đại học, các trường chuyên nghiệp chứ giáo viên từ mầm non tới THPT đều rất khó làm việc ở tuổi 60 hơn 60. Tuổi đó ai còn khả năng đứng lớp tuần 17 tiết nữa?”.
Rất nhiều ý kiến đồng tình với việc cho giáo viên mầm non nghỉ hưu sớm hơn. Một bạn đọc khác cũng bình luận: "Giáo viên mầm non 55 tuổi thì học trò phải kêu bằng... bà rồi. Con học mầm non thì bố mẹ mới trên dưới 30 tuổi nên con gọi cô giáo bằng bà là phải. Ở tuổi này nên cho giáo viên mầm non nghỉ hưu, vì ngành nghề này là đặc thù".
Tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến giáo viên mầm non
Thống kê của Bộ GD&ĐT cũng cho thấy, 10 tháng đầu năm 2022 có khoảng 16.000 giáo viên nghỉ việc, trong đó chủ yếu là giáo viên mầm non.
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết, hiện cả nước thiếu gần 107.000 giáo viên các cấp, trong đó cấp mầm non thiếu trên 44.000 giáo viên, chiếm trên 40%.
Trước những thực trạng này, để thu hút nhân lực, nâng cao cả về chất lượng và số lượng giáo viên mầm non, ông Tuấn Anh cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến giáo viên mầm non.
Bộ sẽ điều chỉnh cách tính định mức từ tỉ lệ giáo viên/lớp sang tỉ lệ giáo viên/trẻ; điều chỉnh về số lượng nhân viên trường học theo số lượng điểm trường lẻ của trường. Đồng thời, sẽ bỏ quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học; giảm chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; giảm thời gian giữ hạng giáo viên mầm non hạng 3 lên hạng 2 từ 9 năm xuống còn 3 năm…
Trước đó, năm 2020, khi góp ý cho Nghị định về tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu do Tổng liên đoàn Lao động ngành giáo dục Việt Nam tổ chức, lãnh đạo Công đoàn ngành giáo dục Việt Nam, đề nghị cho giáo viên mầm non được về hưu ở tuổi 55 vì qua khảo sát của công đoàn ngành, trong số 10.698 ý kiến gửi về có tới 96% đề nghị cho giáo viên mầm non được về hưu ở tuổi 55.
Vị lãnh đạo này cho rằng: "Hiện tại, định mức quy định và thời gian làm việc thực tế của giáo viên mầm non quá nhiều so với các ngành nghề khác (10 giờ/ngày). Cường độ làm việc cao, sức ép từ sự giữ an toàn cho trẻ căng thẳng kéo dài làm cho sức khỏe của giáo viên mầm non giảm sút rất nhanh. Vì vậy, 55 tuổi trở đi, họ sẽ không đủ sức khỏe để đảm bảo các thao tác chuyên môn như: Múa, hát, hướng dẫn các hoạt động thể lực, chạy, nhảy... nguy cơ mất an toàn là điều có thể xảy ra".
Theo quy định của Bộ Luật Lao động 2019, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi với lao động nam vào năm 2028, đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Một khảo sát của Công đoàn Giáo dục Việt Nam đối với cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp giảng dạy cho thấy, có tới 93% ý kiến đề nghị cho nữ giáo viên thể chất được về hưu ở tuổi 55. 97% ý kiến đề nghị cho nữ giáo viên mầm non về hưu 55 tuổi.
Trúc Chi (theo Thanh Niên, Pháp Luật TPHCM, Đại Đoàn Kết)