Ngày 20/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung các thông tư số 01, 02, 03, 04 năm 2021 về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông. Dự thảo có nhiều điểm mới nhằm khắc phục bất cập sau hơn 1 năm các thông tư này có hiệu lực.
Một trong những nội dung đáng chú ý đó là dự kiến bỏ quy định tiêu chuẩn về đạo đức nhà giáo ở từng hạng mục chức danh nghề nghiệp.
Theo chùm thông tư 01-04, giáo viên mầm non, phổ thông được chia thành 3 hạng chức danh nghề nghiệp là I, II và III. Ở mỗi hạng, ngoài quy định về nhiệm vụ, tiêu chuẩn chuyên môn, Bộ quy định cả về tiêu chuẩn đạo đức.
Ví dụ giáo viên mầm non, giáo viên hạng III phải đạt các tiêu chuẩn: Yêu nghề, thương yêu trẻ em, kiên nhẫn, biết kiểm soát cảm xúc, có tinh thần trách nhiệm; thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức nhà giáo, quy định về hành vi, ứng xử và trang phục... Giáo viên hạng II phải đạt các tiêu chuẩn trên kèm theo việc phải luôn gương mẫu thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo. Giáo viên hạng I có thêm yêu cầu vận động, hỗ trợ đồng nghiệp làm tốt các quy định.
Bộ GD&ĐT cho hay, trong quá trình triển khai, cách phân chia này bị đánh giá là không phù hợp và không cần thiết. Bởi lẽ, mọi giáo viên đều phải bảo đảm có chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp nói chung và đạo đức nhà giáo nói riêng. Giống như đạo đức xã hội là chuẩn mực chung, phải là giá trị phổ quát cho mọi người, do đó không nên tách ra để xếp hạng một cách máy móc theo từng loại.
Bộ GD&ĐT lý giải thêm, thực tế, bản chất các quy định tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông theo từng hạng chức danh nghề nghiệp tại Thông tư 01, 02, 03, 04 không phải là “phân hạng đạo đức”. Giáo viên ở tất cả các hạng phải bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp chung (như đã quy định cho giáo viên ở hạng thấp nhất tương ứng với mỗi cấp học) nhưng mức độ yêu cầu khác nhau theo hướng giáo viên ở hạng cao thì yêu cầu mức độ đáp ứng, tính gương mẫu, tác động lan tỏa, ảnh hưởng tới đồng nghiệp cao hơn để bảo đảm có thể thực hiện tốt vai trò của người giáo viên tiên phong trong công tác giảng dạy, giáo dục và người hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp phát triển nghề nghiệp.
Do đó, để thống nhất với các quy định về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp ở các văn bản quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp khác và không làm xáo trộn việc đánh giá tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên mầm non, phổ thông như quy định trước đây, Bộ GD&ĐT dự kiến bỏ quy định tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp ở từng hạng chức danh nghề nghiệp và bổ sung quy định đạo đức nghề nghiệp chung cho giáo viên ở tất cả các hạng.
Ngoài điểm mới trên, dự thảo thông tư của Bộ còn bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng. Theo đó, giáo viên chỉ cần một chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chung thay vì các chứng chỉ từng hạng, tương ứng với từng cấp học đang giảng dạy.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng dự kiến không yêu cầu giáo viên tiểu học, THCS hạng I phải có trình độ thạc sĩ.
Theo quy định tại Thông tư số 02,03/2021/TT-BGDĐT ngày 02/02/2021, giáo viên tiểu học, THCS hạng I phải có bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên tiểu học/THCS hoặc có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy hoặc có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên.
Đối với cấp tiểu học, hạng I theo quy định tại Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT là hạng mới được bổ sung so với quy định tại Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV để bảo đảm việc chia hạng phù hợp với quy định về nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học theo Luật Giáo dục 2019 và những yêu cầu của việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới.
Bên cạnh đó, giáo viên tiểu học hạng II để được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng I phải trúng tuyển trong kỳ thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học (khoản 2 Điều 7 Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT).
Như vậy, khi Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT được ban hành thì trong thực tiễn tạm thời chưa có giáo viên tiểu học hạng I. Khi nào cơ quan có thẩm quyền tổ chức việc thăng hạng từ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II lên hạng I thì mới có trường hợp được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng I.
Với cấp THCS, việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng I sẽ có 2 trường hợp xảy ra.
Trường hợp thứ nhất: Giáo viên THCS hạng I cũ đạt tiêu chuẩn của hạng I mới (bao gồm cả đạt trình độ thạc sĩ theo quy định) thì được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng I mới (khoản 1 Điều 7 Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT).
Trường hợp thứ hai: Giáo viên hạng I cũ chưa đạt tiêu chuẩn của hạng I mới (trong đó có trường hợp chưa có bằng thạc sĩ theo quy định) thì tạm thời bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng II mới và giáo viên vẫn được bảo đảm về chế độ, chính sách hiện hưởng; sau khi đạt các tiêu chuẩn của hạng I mới thì bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I mới mà không phải thông qua kỳ thi hoặc xét thăng hạng.
Theo Bộ GD&ĐT, ở trường hợp thứ hai, dù việc bổ nhiệm tạm thời vào chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng II mới không phải là “rớt hạng” như tâm tư của một số giáo viên, mà là bổ nhiệm hạng tương ứng với mức độ đạt tiêu chuẩn theo quy định của hạng. Đồng thời, mọi chế độ, chính sách mà giáo viên hiện hưởng vẫn được bảo đảm, không có sự điều chỉnh nào. Tuy nhiên, Bộ cho rằng, việc này vẫn làm ảnh hưởng đến tâm lý của một bộ phận giáo viên.
Vì vậy, sau khi rà soát lại mục tiêu của các chương trình giáo dục cấp tiểu học và THCS, Bộ GD&ĐT nhận thấy với yêu cầu giảng dạy, cung cấp các kiến thức cơ bản và nền tảng, việc quy định giáo viên tiểu học, THCS hạng I phải có trình độ thạc sĩ là không cần thiết.
Hiện, dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư 01, 02, 03, 04 đã được Bộ GD&ĐT đăng tải trên Cổng thông tin điện tử, Cổng thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến rộng rãi dư luận đến hết ngày 20/7/2022.
Minh Hoa (t/h theo VnExpress, VietNamNet)