Trong những năm gần đây, điểm đầu vào các trường sư phạm có xu hướng giảm mạnh. Đặc biệt là năm nay, có trường cao đẳng sư phạm thông báo tuyển thí sinh chưa đến 10 điểm/3 môn. Điều này khiến nhiều người lo ngại về chất lượng đội ngũ giáo viên trong tương lai.
PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học (bộ GD&ĐT).
PV: Trái ngược với điểm chuẩn rất cao của các trường khối công an, quân đội, thậm chí 29 điểm vẫn có thể trượt nguyện vọng 1, các trường sư phạm lại có điểm chuẩn thấp, ở khối cao đẳng 9 điểm có thể đỗ. Bà nhận định như thế nào về thực tế này?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Nhìn vào mặt bằng chung, điểm trúng tuyển khối ngành sư phạm năm nay, bên cạnh một số ngành chỉ lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn, nhiều ngành khác có điểm chuẩn ở mức cao hoặc rất cao như: Sư phạm tiểu học, Sư phạm mầm non, Toán dạy bằng tiếng Anh, tiếng Anh, Giáo dục chính trị… Mặt bằng điểm này tỉ lệ thuận với nhu cầu của xã hội và khả năng có việc làm sau tốt nghiệp.
Các trường đã có danh tiếng, được đầu tư tốt, có chất lượng cao như: ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TP.HCM, điểm trúng tuyển ở hầu hết các ngành đều cao. Cụ thể, trường ĐH Sư phạm Hà Nội có 27/35 ngành lấy trên 20 điểm, riêng ngành Sư phạm Toán dạy bằng tiếng Anh có mức điểm trúng tuyển là 27,75 điểm; trường ĐH Sư phạm TP.HCM điểm trúng tuyển các ngành đều từ 20 đến 26,25, duy nhất một ngành lấy 19,25 điểm.
Các trường sư phạm địa phương có nhiều ngành lấy từ điểm sàn nhưng thực tế rất ít thí sinh bằng điểm sàn trúng tuyển. Ví dụ, trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên, có khoảng 43% số ngành lấy từ điểm sàn nhưng trong danh sách trúng tuyển, số thí sinh đạt mức 15,5 điểm chỉ chiếm tỉ lệ 1,16%.
Đối với các trường cao đẳng sư phạm, điểm chuẩn thấp là một thực tế do nhu cầu người học ít, khó tìm được việc làm sau khi ra trường. Tuy vậy, theo thống kê, số thí sinh nhập học đa phần có điểm cao hơn so với điểm chuẩn nhà trường công bố.
PV: Nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng điểm đầu vào sư phạm có ngành thấp ở mức "chạm sản" như năm nay, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Trước hết, cần nhìn từ vấn đề lịch sử. Chúng ta có một thời kỳ cần nguồn nhân lực lớn cho phát triển giáo dục, đào tạo. Trước trọng trách lớn này, các trường sư phạm đã phát triển mở rộng cả về quy mô và số lượng.
Ở thời điểm đó, các trường đã hoàn thành xuất sắc vai trò “máy cái” của mình. Cho đến nay, quy mô giáo dục đào tạo đã đi vào ổn định, vì thế, số lượng trường sư phạm vượt quá yêu cầu thực tế. Chất lượng đào tạo có sự chênh lệch lớn giữa các hệ đào tạo cũng như các trường sư phạm Trung ương, địa phương.
Thực trạng thừa giáo viên cục bộ ở một số địa phương được dư luận nhắc đến nhiều trong thời gian qua đã có tác động rất lớn đến việc lựa chọn ngành nghề của thí sinh năm nay. Những lo ngại về việc làm sau khi tốt nghiệp là vấn đề được đặt ra cho mỗi thí sinh trước khi quyết định lựa chọn sư phạm.
Bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận, chính sách đối với giáo viên hiện nay chưa tốt: Vào biên chế khó khăn, thu nhập thấp, áp lực lớn, nhiều nơi lớp học quá đông nên giáo viên rất vất vả mà không được đãi ngộ xứng đáng; trong khi không dễ có điều kiện làm thêm bằng nghề nghiệp của mình. Vì vậy, khó có thể cạnh tranh với các ngành khác và khó tạo ra động lực cho những người đang có ý định theo đuổi nghề nghiệp.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay có tình trạng thí sinh không mặn mà với ngành sư phạm, từ đó dẫn đến việc hạn chế thu hút người tài làm giáo viên. Để giải bài toán này, ngành Giáo dục sẽ làm gì?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Vấn đề cần làm ngay là quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm. Bộ GD&ĐT đang thực hiện việc này để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, các trường có chất lượng cao, có uy tín sẽ được chọn làm trung tâm, các trường chất lượng trung bình sẽ có hướng chuyển đổi hoạt động để trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trung tâm, cùng sử dụng chương trình, quy trình, đội ngũ giảng viên và đạt chuẩn chất lượng đầu ra.
Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu và đề xuất thực hiện chính sách tổng thể ưu đãi thí sinh, sinh viên giỏi, đề nghị các địa phương rà soát, công bố công khai nhu cầu, tiêu chuẩn tuyển dụng, dự báo nhu cầu sử dụng để làm cơ sở cho quá trình đào tạo.
Bộ cũng sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan nghiên cứu chính sách đãi ngộ đối với giáo viên về thu nhập, khen thưởng. Chỉ khi có chính sách hấp dẫn, nguồn tuyển sinh mới tăng, trên cơ sở đó sẽ chọn được học sinh giỏi và nâng cao chất lượng đầu vào, chất lượng giáo viên.
PV: Hiện, cử nhân thất nghiệp còn rất nhiều, trong đó không ít là sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm. Vì sao, Bộ không siết chặt đầu vào, giảm chỉ tiêu của khối ngành này?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Đối với đào tạo sư phạm, trong những năm gần đây, mỗi năm, bộ GD&ĐT đã cắt giảm từ 10% đến 20% chỉ tiêu cho phù hợp với nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên, do số lượng cơ sở đào tạo sư phạm còn lớn, chỉ tiêu chung vẫn cao cho nên về lâu dài vẫn cần một quy hoạch mạng lưới hợp lý, có tầm nhìn để đưa ra chỉ tiêu hàng năm sát hơn với thực tế sử dụng.
Trước mắt, trong năm học tới, bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục cắt giảm mạnh chỉ tiêu đào tạo sư phạm, đặc biệt là những ngành không đáp ứng được điều kiện đảm bảo chất lượng.
PV: Để có một đội ngũ giáo viên tốt cho tương lai, các trường cần phải đào tạo như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Bên cạnh những giải pháp của ngành, các trường sư phạm cũng cần đẩy mạnh giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo như phát triển đội ngũ giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại.
Trong đó, cần phát triển chương trình đào tạo hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và hội nhập quốc tế. Để có đội ngũ giáo viên tốt không chỉ nâng cao chất lượng đầu vào mà cần đảm bảo chất lượng trong suốt quá trình đào tạo và siết chặt chất lượng đầu ra.
Quá trình đào tạo cũng cần chú trọng tới kỹ năng thực hành, trong đó, kết nối chặt chẽ với các trường mầm non, tiểu học, trung học để nâng cao khả năng thích ứng công việc của giáo sinh. Đặc biệt cần chú trọng giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho giáo sinh, để các em luôn cảm thấy tự hào về nghề nghiệp mình đã chọn.