Không riêng Cánh Diều gặp lỗi hệ thống
Mới đây, bộ GD&ĐT đã phê duyệt nội dung điều chỉnh trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 - Cánh Diều và yêu cầu nhà xuất bản đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh cung cấp tài liệu chỉnh sửa này đến cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và học sinh tiểu học đang sử dụng để thay đổi kịp thời.
Tuy nhiên, lỗi không chỉ xuất hiện trong bộ sách giáo khoa này, mà cả những bộ sách giáo khoa của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng không tránh khỏi hàng loạt lỗi sai hệ thống.
Trước đó, sau khi bộ Cánh Diều trở thành “tâm điểm” dư luận khi bị nhặt “sạn” chi chít, nhiều chuyên gia cũng đã chỉ ra những lỗi sai cơ bản ở một số bộ sách khác.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt - Viện trưởng viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông, không riêng Cánh Diều, mà sách Tiếng Việt 1 các bộ sách khác cũng lặp lại hàng loạt lỗi sai hệ thống, cụ thể, trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 - Kết nối tri thức với cuộc sống và Tiếng Việt lớp 1 - Chân trời sáng tạo của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Cụ thể, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt phân tích về các lỗi tổng hợp trong bộ “Kết nối Trí thức với cuộc sống” và một số bộ sách Tiếng Việt 1 khác: “Nếu tách riêng bộ sách giáo khoa Cánh Diều, ta sẽ thấy đó là các lỗi trầm trọng của nhóm tác giả biên soạn. Nhưng nếu xem xét trong tổng thể, lại thấy đây không phải là lỗi riêng của Cánh Diều mà là của chung cả 5 bộ sách đang sử dụng. Điều này cho thấy, có những lỗi ở bậc vĩ mô. Trong đó, có những vấn đề như: quan niệm, phương pháp, cách tổ chức quản lý, quy định chung… của bộ GD&ĐT.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ThS. Phan Thế Hoài - giáo viên Ngữ văn tại TP.Hồ Chí Minh - bày tỏ: “Tôi cho rằng, tác giả sách và hội đồng thẩm định cần dành nhiều thời gian nghiên cứu, đánh giá, tổng kết cả 5 bộ sách xem ưu, khuyết thế nào, từ đó mới lên phương án chỉnh sửa cụ thể hoặc biên soạn lại”.
ThS. Phan Thế Hoài cũng chỉ ra: “Cá nhân tôi thấy rằng, 4 sách của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (Tiếng Việt 1) và sách Tiếng Việt 1 - Cánh Diều (nhà xuất bản đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh) không thể sửa chữa một sớm một chiều vì sách sai có hệ thống, nếu làm vội vàng thì chỉ mang tính chữa cháy. Như thế, sách Cánh Diều sửa năm nay và 4 quyển sách kia sửa vào năm sau thì vừa thiếu công bằng, vừa gây khó khăn cho học sinh lớp 1 khi phải học sản phẩm lỗi. Chẳng hạn, học sinh vừa học sách Cánh Diều (bản cũ) vừa dò phần chỉnh lý sao cho khớp thì chẳng ra làm sao cả”.
“Chính vì vậy, phương án tốt nhất là nên ngưng sử dụng tất cả các bộ sách, tạm thời dùng sách cũ” - ông nhấn mạnh.
Nỗi lo “tái độc quyền” sách giáo khoa
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt nhận định: “Hiện nay Đảng và Nhà nước đang chủ trương xã hội hoá giáo dục. Một trong những yêu cầu của xã hội hoá đó là phải đã đạt bình đẳng, dân chủ khách quan và tránh được chuyện độc quyền.
Do lần đầu thực hiện xã hội hoá sách giáo khoa nên thời gian qua, việc xã hội hoá biên soạn sách giáo khoa đã vấp phải nhiều khó khăn. Theo đó, yêu cầu của xã hội hoá sách giáo khoa là một chương trình sẽ có nhiều cách tiếp cận, hay cụ thể hơn, một chương trình học sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa của nhiều nhóm tác giả, của nhiều đơn vị tham gia biên soạn để có thế thấy đươc nhiều phương pháp giáo dục khác nhau.
Tôi đánh giá, vừa qua bộ GD&ĐT đã làm chưa tốt vấn đề này!”.
Ông phân tích thêm: “Cụ thể, nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn 4 bộ sách nhưng chỉ có 1 - 2 người làm Chủ biên, nên thực ra 4 bộ sách chỉ 1 chủ, 1 nhóm biên soạn. Về hình thức, người ta nghĩ đó là 4 bộ khác nhau nhưng về nội dung biên soạn, quy trình thì thấy rõ 4 bộ sách của cùng 1 người, của cùng 1 ban lãnh đạo. Đây là việc làm cần tránh.
Bên cạnh đó, chỉ có 1 bộ sách khác của công ty tư nhân đó là bộ Cánh Diều, nó tạo ra tỉ lệ 4:1, và gần như có một sự áp đảo, o ép.
Việc này nếu không giải quyết được có thể gây ra sự phá sản của một chính sách, một chủ trương xã hội hoá. Vì bản chất của xã hội hóa phải tạo ra nhiều đơn vị, nhiều nhóm khác nhau biên soạn, vô tình tạo ra cái mặt bằng không đúng yêu cầu mà Quốc hội đặt ra.
Ở khía cạnh khác, về quy trình, việc tổ chức thẩm định, dạy thử… giữa các bộ sách giáo khoa phải giống nhau. Khi sách in ra, dư luận xã hội phản ứng về chất lượng các bộ sách giáo khoa thì bộ GD&ĐT lại tỏ thái độ không công bằng, bên yêu cầu khẩn trương chỉnh sửa, bên lại chưa có động thái. Rõ ràng là chưa bình đẳng, có sự o bế, lộ liễu”.
“Nếu đồng ý phương án của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là đề nghị sửa chữa ở lần tái bản sẽ gây ra vấn đề lớn, học sinh phải học sách sai đến hết năm. Bên cạnh đó, năm sau tái bản sẽ phải bỏ hết tất cả sách đi gây phí tổn kinh tế lớn, hàng triệu bản in đi vào sọt rác.
Do đó, tôi yêu cầu bộ GD&ĐT cần có chủ trương rõ ràng bằng các văn bản cụ thể, cần chấn chỉnh ngay, quyết liệt trước nhân dân. Nếu không làm được việc này thì sẽ phá hỏng chủ trương xã hội hoá sách giáo khoa, trở lại tình trạng độc quyền” - Viện trưởng viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông nhấn mạnh.
Vừa qua, nội dung chỉnh sửa sách Tiếng Việt 1 - Cánh Diều do nhà xuất bản đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh đề xuất đã được bộ GD&ĐT phê duyệt. Trước đó, nhà xuất bản đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh đề xuất danh sách 11 bài đọc bổ sung cho những bài đọc không phù hợp theo ý kiến đóng góp của xã hội, tuy nhiên, trong tài liệu được bộ GD&ĐT phê duyệt, những bài đọc là bài đọc thay thế chứ không phải bổ sung và được thêm 1 bài thành 12 bài đọc thay thế.
Bên cạnh bộ sách Cánh Diều của nhà xuất bản đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh, nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng đề xuất chỉnh sửa một số nội dung chưa hợp lý trong cả 4 bộ sách giáo khoa lớp 1 mà đơn vị này chịu trách nhiệm biên soạn. Những nội dung chỉnh sửa chủ yếu nằm trong sách Tiếng Việt.
Cẩm Mịch