Ngày hội với mục đích truyền cảm hứng cho các bạn HSSV dám ước mơ và đưa ra những ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, khả thi. Trang bị cho sinh viên những kiến thức, kỹ năng thành lập dự án từ ý tưởng. Đồng thời vinh danh những ý tưởng tốt, sáng tạo đã thành công từ giảng đường. Tạo động lực thúc đẩy cho sinh viên, dám nghĩ dám làm để ý tưởng không chỉ là trên giấy. Từ đó kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư cho các ý tưởng xuất sắc nhất.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa - Trưởng ban tổ chức Ngày hội khởi nghiệp Quốc gia của HSSV năm 2018 cho biết: Cuộc thi là cơ hội lớn để các đội thi tiếp cận với cơ hội đầu tư cũng như kiến thức từ Hội đồng giám khảo danh dự là các DN có khả năng đầu tư. Với quy chế chấm điểm khoa học, logic và sát thực tế, kết quả cuộc thi chắc chắn là thước đo phản ánh chân thực nhất chất lượng cuả các dự án, cũng như chất lượng thí sinh tham dự.
Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên chia sẻ rằng nhiều dự án đã được các bạn HS, SV triển khai và bước đầu đã có thành công. Nhiều dự án đã được triển khai và chuyển sang giai đoạn có lãi và các chỉ số doanh thu, lợi nhuận có mức độ tăng trưởng khá ấn tượng. Sẽ có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến dự án này.
Ông Linh cho biết, điểm nhấn của Ngày hội là cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp – SWIS 2018.” Cuộc thi được bộ GD&ĐT phát động từ tháng 10/2018 và đã thu hút được sự tham gia của các học sinh, sinh viên đến từ gần 200 trường đại học, cao đẳng, trung cấp, phổ thông trung học trên toàn quốc, với gần 200 bài dự thi.
Trả lời câu hỏi của PV báo Người Đưa Tin về việc “Duy trì cuộc thi và cách làm sao để những ý tưởng khởi nghiệp có thể đi vào thực tế?”, ông Dương Văn Bá, Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên cho biết Đề án này xuất phát từ tinh thần quốc gia khởi nghiệp, Bộ đã tìm cách kết nối với các doanh nghiệp để có những “nhà đồng hành” cùng những ý tưởng của sinh viên.
“Rất may mắn sau khi nghe chúng tôi trình bày về đề án và cách thức tiến hành trong các nhà trường. Đã có nhiều doanh nghiệp hứa hỗ trợ để phát triển nguồn nhân lực, tinh thần khởi nghiệp của sinh viên”, ông Bá chia sẻ.
“Bộ cũng đã yêu cầu mỗi trường phải có một phòng/ban làm công tác hỗ trợ HSSV khởi nghiệp. Những bộ phận đó giúp nhà trường giải quyết tạo lập được đội ngũ giảng viên làm công tác tư vấn, hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp. Như vậy, tất cả các ý tưởng dù không được giải thì trường cũng phải kết nối doanh nghiệp, hỗ trợ các em hiện thực hóa nó. Như vậy sẽ là tiền đề tốt để hỗ trợ sinh viên có thể khởi nghiệp thành công”, ông Dương Văn Bá trả lời câu hỏi về việc làm sao có thể kết nối sinh viên với các “shark” – nhà đầu tư.