Không “khuyến khích” học sinh mua sách tham khảo
Chiều 30/9, bộ GD&ĐT tổ chức họp báo thường kỳ quý III năm 2020, thông tin cụ thể về những vấn để nổi cộm trong thời gian qua.
Mở đầu buổi họp báo, ông Trần Quang Nam, Chánh Văn phòng bộ GD&ĐT khái quát lại những hoạt động và kết quả trong quý III. Cụ thể, bộ GD&ĐT đã tập trung chỉ đạo các sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục hoàn thành kế hoạch năm học 2019-2020 trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp; chỉ đạo, phối hợp với các địa phương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (2 đợt) đảm bảo mục tiêu kép; kịp thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học thay đổi phương án, kế hoạch tuyển sinh đại học, cao đẳng phù hợp với tình hình thực tế.
Ông Trần Quang Nam nhấn mạnh: “Đầu năm học mới, Bộ trưởng bộ GD&ĐT đã ban hành Chỉ thị về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2020-2021 của ngành Giáo dục, trong đó tiếp tục thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ, giải pháp năm học, cũng như chấn chỉnh kịp thời tình trạng lạm thu, tình trạng mất an toàn trường học, tình trạng giới thiệu sách tham khảo (kèm theo danh mục sách giáo khoa) tại một số cơ sở giáo dục.
Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở ban ngành có liên quan phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về niêm yết, công khai thông tin về giá vật tư, thiết bị giáo dục, sách giáo khoa trên địa bàn bảo đảm công khai, minh bạch theo đúng quy định của Luật giá và các văn bản có liên quan. Đặc biệt, cần tăng cường công tác chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn để xảy ra tình trạng lạm thu”.
Về sách giáo khoa, trước tình trạng thiếu sách xảy ra tại một số địa phương và vẫn còn một số cơ sở giáo dục giới thiệu sách tham khảo, kèm theo danh mục sách giáo khoa gây bức xúc trong dư luận đầu năm học mới. Ngày 8/9, bộ GDĐT đã có văn bản về việc tăng cường quản lý việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Trước phản ánh của một số phụ huynh trên các diễn đàn mạng xã hội về chương trình lớp 1 trong giáo dục phổ thông mới đang quá “nặng” so với chương trình cũ, ông Thái Văn Tài Vụ trưởng vụ Giáo dục tiểu học, bộ GD&ĐT cho rằng: “Bộ chưa nhận được phản ánh nào chính thức từ phía phụ huynh, nhà trường hay các chuyên gia giáo dục. Tuy nhiên, xin lưu ý, đối với môn Tiếng Việt lớp 1, mục tiêu cố gắng giúp học sinh sau lớp 1 đọc thông viết thạo, nên số có điều chỉnh tăng thời lượng số tiết học, nhưng tinh giản về nội dung chương trình. Như vậy, không thể so sánh số tiết học mà đánh giá chương trình “nặng” hơn... Các môn học khác cũng có sự tinh giản phù hợp”.
Về thông tin “loạn” sách giáo khoa, sách tham khảo trong thời gian vừa qua tại một số trường học, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng vụ Giáo dục trung học, bộ GD&ĐT cho rằng, trong chương trình chỉ quy định về sách giáo khoa là tài liệu dạy học chính thức, sách tham khảo được xuất bản theo Luật Xuất bản và phát hành ngoài thị trường nhưng nội dung cũng phải được kiểm soát.
“Khi đưa bất kỳ đầu sách nào vào nhà trường, cũng phải định rõ, sách là xuất bản phẩm tham khảo phải đảm bảo điều kiện như thế nào. Hiệu trưởng phải tổ chức lựa chọn như thế nào, giáo viên phải có trách nhiệm nghiên cứu theo quy định như thế nào, thông tin phải minh bạch rõ ràng. Bên cạnh đó, giáo viên không được phép đưa vào bài dạy và các bài kiểm tra đánh giá vượt quá nội dung trong sách giáo khoa. Đặc biệt, không được “khuyến khích” (trong nháy nháy) học sinh mua dưới bất kỳ hình thức nào, không có chuyện để học sinh mua sách giáo khoa kèm theo danh sách tham khảo. Các cấp quản lý phải thực hiện nghiêm vai trò, Hiệu trưởng phải thể hiện rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục”, ông Nguyễn Xuân Thành phân tích thêm.
Ngăn lạm thu từ hoạt động trải nghiệm
Trao đổi thêm về băn khoăn liên quan đến hoạt động trải nghiệm trong nhà trường làm sao để không trở thành một “lỗ hổng” để làm thu, ông Thái Văn Tài khẳng định: “Hiện nay trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 có hoạt động trải nghiệm, được thiết kế như một hoạt động giáo dục bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12. Hoạt động được tích hợp trong giờ chính khóa, chương trình theo chuẩn đầu ra được thẩm định. Theo đó, có 3 quy mô: nhóm nhỏ, nhóm vừa và nhóm lớn”.
Theo Vụ trưởng vụ Giáo dục tiểu học, với quy mô nhóm nhỏ và vừa, những hoạt động trải nghiệm được lồng ghép ngay trong môn học tại lớp hoặc tích hợp nhiều môn học với nhau giữa các lớp theo chủ đề, và đó là trách nhiệm tổ chức dạy của nhà trường. Còn đối với quy mô nhóm lớn, xây dựng theo nhu cầu người hoc và điều kiện của nhà trường phải đảm bảo các yêu cầu quy định, nhà trường phải tổ chức khảo sát nhu cầu và công khai hóa tất cả các hoạt động thu chi theo quy định.
Đồng quan điểm đó, Vụ trưởng vụ Giáo dục trung học cũng nhấn mạnh: “Ở đây, các nhà trường phải hiểu rằng, không phải cứ tổ chức một năm vài ba lần, đưa học sinh lên xe, đi ra ngoài trải nghiệm mới là hoạt dộng trải nghiệm. Trong mỗi bài học trong chương trình đều có phần phát triển năng lực cho học sinh, vận dụng đó chỉ là những phần giáo viên giao cho học sinh về nhà tìm hiểu nghiên cứu trải nghiệm tại gia đình, địa phương... sau mỗi bài học. Và học sinh phải có báo cáo về việc vận dụng đó gửi cho thầy cô xem đã hoạt động ra sao sau khi khi kết thúc.
Bộ GD&ĐT không quy định các trường không được tổ chức các hoạt động trải nghiệm ở bên ngoài phạm vi trường học, nhưng cần phải hiểu rõ vấn đề này. Không phải tổ chức theo phong trào mỗi năm vài đợt đi trải nghiệm bên ngoài để thu tiền”.
Tai nạn trong trường học có trách nhiệm ngành xây dựng
Về đảm bảo an toàn trường học, Chánh Văn phòng bộ GD&ĐT khẳng định, Bộ đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất trường học, đảm bảo an toàn cho học sinh. Trong đó, đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan có liên quan nghiêm túc thực hiện việc cải tạo và bảo trì cơ sở vật chất trường học đảm bảo an toàn cho học sinh.
Đồng thời, tiến hành rà soát cơ sở vật chất trường, lớp học để đánh giá lại chất lượng các công trình trong nhà trường, nhất là trong mùa mưa bão; lập kế hoạch cải tạo, sửa chữa để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên. Kiên quyết không đưa vào sử dụng các công trình trường, lớp học đã hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn theo quy định khi chưa được cải cạo, sửa chữa, nâng cấp.
“Vừa qua, đã xảy ra một số tai nạn thương vong, chúng tôi cũng đã xác định có trách nhiệm của nhà trường, của ngành giáo dục. Tuy nhiên, những tai nạn do các công trình xây dựng trường học đa phần do chủ đầu tư hoặc chính quyền địa phương có trách nhiệm trong việc cấp phép và kiểm tra giám sát công trình. Chính vì vậy, cần làm rõ trách nhiệm, xác định căn cơ để có những giải pháp hữu hiệu”, ông Trần Quang Nam thông tin thêm.