Bộ GD&ĐT: Sẽ điều chỉnh, tinh giản nội dung dạy học trực tuyến

Bộ GD&ĐT: Sẽ điều chỉnh, tinh giản nội dung dạy học trực tuyến

Ngạc Kim Giang

Ngạc Kim Giang

Thứ 3, 07/09/2021 13:34

Trước những ý kiến cho rằng nên giảm tải chương trình dạy học trực tuyến theo hướng thiết thực, bảo đảm phù hợp bối cảnh dịch bệnh, lãnh đạo bộ GD&ĐT đã có phản hồi.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhiều địa phương đã bắt đầu triển khai phương án dạy học online. Tuy nhiên, dư luận cũng hết sức băn khoăn về chất lượng và hiệu quả học tập của học sinh bởi thời gian dạy học trực tuyến có thể không chỉ trong 1 hoặc 2 tháng như năm ngoái mà có thể kéo dài hơn, thậm chí cả năm học.

Nhiều người cho rằng hiệu quả chất lượng của dạy học trực tuyến không thể so với dạy trực tiếp, vì sự tương tác giữa giáo viên và học sinh có hạn chế nhất định. Việc thực hiện các phương pháp trong dạy học như: Thảo luận nhóm, vấn đáp, thuyết trình, thí nghiệm, thực hành… không thể thực hiện được khi dạy online. Như vậy chất lượng giờ dạy sẽ không như mong muốn. Bên cạnh đó là nỗi lo về điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm, học liệu dạy học trực tuyến;… 

Sáng 6/9, ngày đầu tiên gần 700.000 học sinh lớp 6 đến lớp 12 ở TP.HCM học trực tuyến chương trình năm học mới 2021-2022. Nhiều giáo viên và học sinh cho biết họ không thể vào được lớp học do máy cứ “quay mòng mòng”.

Bà N.H., phụ huynh học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, cho hay: "Hết 15 phút mà con tôi vẫn chưa vào được lớp học ảo, thầy chủ nhiệm cũng cho biết là chưa vào được. Group của phụ huynh, của học sinh xôn xao hết cả lên.

Ngay ngày đầu tiên của năm học mới đã trục trặc rồi. Mà như nhiều trường dùng phần mềm dạy trực tuyến miễn phí thì không nói. Đằng này, chúng tôi đã đóng phí 140.000 đồng/học sinh để con em mình được học trực tuyến đàng hoàng mà thực tế vẫn không ổn. Tôi thực sự lo lắng... Tình hình này mà kéo dài thì việc học trực tuyến trong suốt học kỳ 1 làm sao có hiệu quả?".

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, sáng 6/9, hầu như tất cả các trường THCS, THPT sử dụng phần mềm dạy trực tuyến K12 Online ở TP.HCM đều gặp trục trặc như không thể vào lớp học ảo hoặc có giáo viên, học sinh vào được nhưng chỉ trong thời gian ngắn là bị "văng" ra.

Một lãnh đạo Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, thừa nhận có tình trạng như phụ huynh, học sinh phản ảnh. "Do hệ thống quá tải nên mới xảy ra tình trạng trên. Nhà trường đã làm việc với nhà cung cấp phần mềm để khắc phục sự cố. Hiện tại, ngay trong ngày 6/9, các giáo viên tạm thời sử dụng phần mềm khác để giảng dạy".

Cũng có con học trực tuyến, chị Nguyễn Thị Hoài, 32 tuổi, ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) sốt ruột vì mất gần một tiết đầu cả cô và trò bị thoát ra, vào lại. Con chị Hoài năm nay học lớp 2 một trường tiểu học công lập, được xếp học buổi sáng. Có hôm 7h45 các con vào phòng, nhưng hơn 8h mới bắt đầu lớp học vì nhiều bạn vào muộn. Học được vài phút, tài khoản của con chị Hoài cùng nhiều bạn trong lớp bị thoát ra. Khi vào lại phòng, các con không xem được màn hình cô giáo. Tiết học buộc phải dừng lại một lúc để cô giáo sửa lỗi.

"Trong lúc học, thỉnh thoảng màn hình bị giật, âm thanh rè. May buổi đầu đều là kiến thức ôn lại nên các con đỡ sợ. Nhưng nếu học kiến thức mới, tôi e là con sẽ lơ mơ nếu không nghe rõ", chị Hoài bày tỏ băn khoăn trên VnExpress.

Đó là chưa kể đến ý thức tự giác, tự học của học sinh. Khi mà ý thức tự học quyết định hơn phân nửa sự thành công của một giờ học trực tuyến thì việc yêu cầu mấy đứa trẻ lớp 1, lớp 2 phải ngồi trước màn hình, lắng nghe bài giảng, tương tác với giáo viên là một nỗ lực lớn.

Dẫu biết rằng việc học tập trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp là điều bất khả kháng. Nhưng ý thức học tập của học sinh và hiệu quả của những bài học thiếu hụt sự tương tác thầy - trò vẫn luôn để lại nhiều trăn trở.

Trước những băn khoăn này, lãnh đạo bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho hay sẽ điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng thiết thực, giảm và tiến tới bỏ hẳn những nội dung rườm rà, thiếu hiệu quả, đảm bảo phù hợp với bối cảnh dịch bệnh.

Thông tin trên được Vụ trưởng vụ Giáo dục Trung học, bộ GD&ĐT Nguyễn Xuân Thành chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến "Năm học mới trong đại dịch" do Báo Người Lao động tổ chức ngày 6/9.

Ông Nguyễn Xuân Thành cho hay, thực hiện kế hoạch năm học trong bối cảnh đặc biệt, Bộ trưởng GD&ĐT đã chỉ đạo các cấp học rà roát điều chỉnh nội dung dạy học, đảm bảo chương trình nhưng tinh giản nội dung.

Ông Thành cho biết, Bộ đã có công văn 3280/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cấp THCS và THPT trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Theo đó, 10 môn học sẽ điều chỉnh nội dung dạy học, gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh Học, Tin học, Công nghệ, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Nguyên tắc là tinh giản các nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình hiện hành, tích hợp một số nội dung thành các chủ đề, điều chỉnh các nội dung trùng lặp giữa các môn học và hoạt động giáo dục. Không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung được hướng dẫn là không dạy, đọc thêm, không làm, không thực hiện, không yêu cầu….

“Năm học này, chúng tôi tiếp tục điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng thiết thực, giảm và tiến tới bỏ hẳn những nội dung rườm rà, thiếu hiệu quả, đảm bảo phù hợp với bối cảnh dịch bệnh. Song song với việc này, dạy học trực tuyến làm sao để đảm bảo chất lượng, không quá tải cũng là một yêu cầu.

Bộ GD&ĐT đã có văn bản về dạy học trực tuyến và trên truyền hình; tới đây chúng tôi tiếp tục tập huấn giáo viên về kỹ năng dạy học trực tuyến trên tinh thần khắc phục những hạn chế hiện nay. Tinh thần là các nhà trường tổ chức dạy trực tuyến theo cách tăng cường, giao nhiệm vụ học tập cho học sinh nhiều hơn. Thầy cô chuẩn bị bài, giao bài qua zalo, thư điện tử, nhắn tin… như thế, khi học sinh vào học trực tuyến đã phải có sự chuẩn bị bài, đã đọc SGK từ trước. Khi đó, giờ học trực tuyến tương tác thực tập trung vào trao đổi, báo cáo, trả lời, giải đáp những vấn đề học sinh còn vướng mắc, giúp giảm thời gian ngồi trước màn hình online”, ông Thành nói.

Theo ông Thành, trong tuần này hoặc tuần tới, bộ GD&ĐT sẽ gửi tài liệu biên soạn đến các thầy cô để lan toả, tổ chức các giờ học trực tuyến nhẹ nhàng nhưng hiệu quả. Như vậy, thay vì ngồi trước màn hình thì học sinh có thể tự chủ hơn trong giờ học.

“Chúng tôi kêu gọi các bậc phụ huynh tạo điều kiện quan tâm, hỗ trợ học sinh để các em đảm bảo được yêu cầu học tập trong bối cảnh hết sức khó khăn này”, ông Thành nói.

Về việc kiểm tra đánh giá khi học trực tuyến, ông Thành cho hay, trong Thông tư 22 mà Bộ GD&ĐT vừa ban hành để áp dụng cho chương trình phổ thông mới, có 4 bài kiểm tra định kỳ trong năm, mỗi kỳ có 2 bài là giữa kỳ và cuối kỳ. Hình thức kiểm tra có thể là trên giấy hoặc máy tính.

Với bài kiểm tra trên máy tính, nhà trường xây dựng ma trận đề thi để đảm bảo ra đề thi khách quan, minh bạch, đánh giá đúng năng lực học sinh. Trong trường hợp có kết quả bất thường thì nhà trường có thể kiểm tra, đánh giá lại.

“Việc kiểm tra đánh giá trực tuyến, tôi cho là khá minh bạch. Quan trọng nhất là các nhà trường ra đề làm sao đảm bảo được tinh thần này”, ông Thành nói.

Ngoài ra, theo ông Thành, việc kiểm tra đánh giá định kỳ có thể thực hiện qua bài thực hành hoặc dự án học tập và khi đó học sinh có thể thực hiện tại nhà. Nhưng điều quan trọng nhất là báo cáo và trình bày báo cáo của học sinh và phần hỏi đáp của thầy cô, qua đó có thể đánh giá được chất lượng học tập. Đó chính là tinh thần của đánh giá vì sự phát triển năng lực của học sinh. Tuỳ theo đặc thù của môn học, các nhà trường có thể áp dụng các hình thức kiểm tra, đánh giá này để vừa phù hợp với môn vừa phù hợp với tinh thần dạy học trực tuyến.

Minh Hoa (t/h theo Tuổi Trẻ Online, VnExpress, VietNamNet)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.