Ông Trần Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học thẳng thắn thừa nhận những hạn chế trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018. Theo đó, ông Tuấn nói: “Dù có một số tiêu cực xảy ra trong kỳ thi THPT Quốc gia tại một số địa phương, tuy nhiên đây là thiểu số và chúng ta không vì thế phủ định hoàn toàn những nỗ lực tổ chức, làm bài thi nghiêm túc của số đông còn lại”.
Kỳ tuyển sinh năm nay đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Kế thừa kết quả thành công của năm 2017, tiếp tới chúng tôi tiếp tục cải tiến quy trình. Nhưng theo lộ trình đổi mới thi cử và về mặt tổng thể thì cho đến năm 2020 thì quá trình tuyển sinh, xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp sư phạm sẽ giữ nguyên.
"Chúng tôi sẽ tập trung cải tiến kỹ thuật phần mềm, một số khâu quan trọng trong quy trình tổ chức thi, chấm thi… để đảm bảo tối đa quyền lợi của các thí sinh cũng như sự nghiêm túc khách quan của kỳ thi THPT Quốc gia", ông Tuấn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nhìn lại những kỳ tuyển sinh năm 2018, ông Trần Anh Tuấn cho hay: “Về công tác xét tuyển ĐH, CĐ năm 2018, ngay trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1, các đơn vị xét tuyển đã có 172 mã tuyển sinh tuyển đủ chỉ tiêu. Trong đó có 226 mã tuyển sinh tuyển được 70% chỉ tiêu, chiếm 70% tổng số mã tuyển sinh trên toàn quốc. Con số này cho thấy, công tác tuyển sinh ĐH năm 2018 đã đạt được các tiêu chí nhanh gọn, nhẹ nhàng, hiệu quả và giảm được áp lực cho các đợt tuyển sinh sau”.
Năm 2018 cũng là năm các trường được tự xác định chỉ tiêu, lập đề án tuyển sinh, xác định các điều kiện tuyển sinh, tham gia các nhóm tuyển sinh hoặc tuyển sinh độc lập. Như vậy, quá trình tuyển sinh năm nay cũng đã đảm bảo được quyền tự chủ của các trường.
Về cơ bản, công tác xét tuyển ĐH đợt 1 năm nay đã đảm bảo được các tiêu chí an toàn, hiệu quả. Điểm trúng tuyển cũng đã phản ánh được chất lượng đầu vào và thể hiện được sự phân hóa chất lượng giữa các thí sinh, giữa các nhóm trường...
Cũng theo ông Tuấn, trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, Bộ quyết định không làm tròn điểm đến 0,25 điểm là hai chữ số thập phân. Điều này tạo sự phân hóa cho thí sinh, giúp các trường không phải đặt ra quá nhiều tiêu chí phụ, nhất là với những thí sinh ở cuối danh sách trúng tuyển. Các trường đều hoan nghênh quy định mới này.
Đồng thời, sau khi nghiên cứu về khoảng cách, điểm ưu tiên theo khu vực, trên cơ sở kết quả đánh giá về tình hình phát triển kinh tế xã hội trong nhiều năm gần đây cho thấy, khoảng cách giữa các vùng miền đã thu hẹp khá nhiều, điều kiện giáo dục giữa các địa phương cũng được nâng lên đáng kể. “Sau khi tổ chức lấy ý kiến các đơn vị, cơ quan bộ ngành liên quan, chúng tôi đã quyết định giảm mức điểm ưu tiên khu vực xuống một nửa. Điều này đã tạo ra công bằng hơn cho các thí sinh trong quá trình xét tuyển”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Đồng thời, ông Tuấn cũng khẳng định: “Khi không còn điểm sàn, các trường sẽ tự cân đối điểm sàn theo từng ngành, từng khối ngành phù hợp với đặc điểm của ngành, của trường, vùng miền để đặt ra mức điểm chuẩn đầu vào để có thể tuyển được đối tượng đúng nhất nhưng phải đảm bảo chất lượng nguồn tuyển”.
Ông Tuấn cũng chia sẻ thêm, khi quyết định bỏ điểm sàn, Bộ đã truyền thông, cảnh báo rất rộng rãi tới các trường ĐH nguy cơ tự hạ thấp thương hiệu, uy tín và chất lượng đào tạo nếu trường nào đưa ra mức điểm sàn quá thấp. Thực tế đã có một số trường đưa ra ngưỡng điểm sàn 12-13, tuy nhiên, Bộ đã ngay lập tức có ý kiến và các trường đó đã điều chỉnh kịp thời.
Thông điệp đưa ra cũng rất rõ ràng, nếu cơ sở đào tạo nào lấy điểm đầu vào quá thấp, Bộ sẽ kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo. Cơ sở nào không đảm bảo đủ điều kiện đào tạo sẽ bị đình chỉ tuyển sinh.