Trước câu hỏi của phóng viên về thông tư số 24/2013/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 4/7 cho biết Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động cách mạng trước 01/01/1945 sẽ thuộc đối tiện ưu tiên khi dự thi đại học.
Ông Ngô Kim Khôi, cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho rằng Bộ GD&ĐT ban hành thông tư này nhằm cụ thể hóa pháp lệnh số 04 (pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng) và Nghị định 31 của Chính phủ.
“Trên cơ sở pháp lệnh 04 và nghị định số 31 (hướng dẫn thi hành của pháp lệnh) này chúng tôi xây dựng dự thảo thông tư 24 sửa đổi bổ sung thêm đối tượng thuộc đối tiện ưu tiên khi dự thi đại học”- ông Khôi cho biết.
Cũng theo ông Khôi, những người có công và con của họ sẽ được chế độ ưu tiên chung, trong đó có ưu tiên trong tuyển sinh và đào tạo: “Bà mẹ Việt Nam anh hùng được ưu tiên không phải là bà mẹ 80,90 tuổi mà còn là các bà mẹ có con đi bộ đội ngày nay mà hy sinh trong quân đội, sẽ được nhà nước xem xét phong tặng”- ông Khôi cho biết thêm.
333 thí sinh bị xử lý kỷ luật
Bộ GD&ĐT cho biết, cả nước có 133 trường đại học tổ chức thi đợt 1 và 125 trường thi đợt 2. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi cả hai đợt là 1.673.628; số thí sinh đến dự thi là 1.298.522 , đạt tỷ lệ 77,6% giảm 0,7% so với năm 2012 (78,3%).
Trong cả hai đợt thi đại học năm 2013 cả nước có 333 thí sinh bị xử lý kỷ luật; trong đó, khiển trách 62; cảnh cáo 17; đình chỉ thi 254; đến muộn không được dự thi 6 (năm 2012 có 310 thí sinh bị xử lý kỷ luật, trong đó khiển trách 44; cảnh cáo 13 và đình chỉ thi 253).
Tổng số cán bộ tham gia công tác tuyển sinh bị xử lý kỷ luật là 10 người, trong đó, khiển trách 7 và đình chỉ 3 (năm 2012 có 9 cán bộ vi phạm bị xử lý, trong đó khiển trách 5; cảnh cáo 1 và đình chỉ 3).
Ông Khôi cho biết, ở hai đợt thi, phát hiện và thống kê được hai trường hợp thi hộ tại trường Học viện An ninh và trường ĐH Phòng cháy chữa cháy.
Ông Khôi cũng cho biết, hiện nay, phòng An ninh chính trị nội bộ (PA83) Công an TP Hà Nội vào cuộc xác định động cơ của hai trường hợp thi hộ này.
Theo Quy chế thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, những thí sinh nhờ người khác thi hộ, làm bài hộ dưới mọi hình thức bị tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm đó và tước quyền tham dự kỳ thi tuyển sinh vào các trường trong hai năm tiếp theo, hoặc đề nghị các cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đề thi có tính phân loại cao
Tại buổi họp báo, ông Ngô Kim Khôi cho biết, đề thi đại học của cả hai đợt được bảo mật an toàn tuyệt đối trong tất cả các khâu từ soạn thảo, in sao đến vận chuyển tới các hội đồng thi, các điểm thi và thí sinh.
Đề thi của tất cả các môn thi không có sai sót, có nội dung nằm trong chương trình trung học phổ thông, chủ yếu là lớp 12; bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT, phù hợp với thời gian làm bài, kiểm tra được kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức, đồng thời có khả năng phân hóa được trình độ thí sinh, đáp ứng yêu cầu của kì thi tuyển chọn.
Cũng theo ông Khôi, nội dung đề thi môn Địa lí gắn với thực tiễn và tình hình kinh tế- xã hội của đất nước, đề cập đến vấn đề biển đảo, khái quát về biển đông, vấn đề an ninh và tài nguyên biển của Việt Nam, góp phần xác định cho thế hệ trẻ về chủ quyền biển đảo, về sử dụng, khai thác tài nguyên, cũng như giá trị của đảo và biển đảo trong vai trò bảo vệ đất nước.
Theo Tiền phong