Ngày 23/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, về kiến nghị và kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 2.765 kiến nghị được tổng hợp, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó một số lĩnh vực tiếp tục được nhiều cử tri quan tâm như: Lao động, Thương binh và Xã hội; Y tế; Giao thông Vận tải; Giáo dục và Đào tạo; Tài nguyên và Môi trường…
"Đến nay, 2.751 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,5%", ông Bình cho hay, đồng thời nêu kết quả, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã trả lời 69/69 kiến nghị.
Cử tri đánh giá cao thời gian qua, hoạt động của Quốc hội đã có nhiều đổi mới, hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành được tiến hành chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội được nâng cao, khẳng định Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân.
Tiếp thu kiến nghị của cử tri, công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội có nhiều cải tiến, tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương nhằm xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân làm trọng tâm.
Hoạt động giám sát tiếp tục được đổi mới, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác giám sát, trong đó, tập trung vào giám sát những vấn đề bức xúc cử tri đang quan tâm. Hoạt động chất vấn đã thể hiện sự đổi mới liên tục, việc lựa chọn, quyết định nội dung chất vấn bám sát thực tiễn.
Một số vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm trong thời gian qua đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn trực tiếp và kết nối trực tuyến tới các Đoàn đại biểu Quốc hội như: Giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật; giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản; hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản...
Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, đã giải quyết và trả lời 2.591/2.605 kiến nghị. Nhìn chung, các kiến nghị của cử tri đã được Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương tập trung nghiên cứu giải quyết, thể hiện trách nhiệm cao trong quản lý nhà nước.
Việc tiếp thu, nghiên cứu và giải quyết các kiến nghị của cử tri đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định trật tự, an toàn xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân.
Ông Bình nhấn mạnh, một số kiến nghị của cử tri được Bộ, ngành nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thiết thực để giải quyết hoặc giải đáp đầy đủ về những vấn đề cử tri quan tâm như trả lời của các Bộ, ngành: Giao thông Vận tải; Tư pháp; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Công Thương; Thông tin và Truyền thông; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Kế hoạch và Đầu tư; Lao động, Thương binh và Xã hội; Nội vụ; Quốc phòng; Công an; Giáo dục và Đào tạo; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ủy ban Dân tộc…
Về phía Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã giải quyết, trả lời 61/61 kiến nghị. Trong đó, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã trả lời việc hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự; tăng cường trang thiết bị cơ sở vật chất phục vụ việc tổ chức các phiên tòa trực tuyến; việc phân bổ biên chế đảm bảo cho các Tòa án hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; nghiên cứu đổi mới tổ chức, hoạt động cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao…
Tuy nhiên, Trưởng Ban Dân nguyện cũng chỉ rõ một số hạn chế như một số Bộ, ngành trả lời kiến nghị của cử tri không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật.
Theo ông Bình, mặc dù từ nhiều kỳ họp trước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu các Bộ, ngành tập trung giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri đúng thời hạn theo quy định của pháp luật nhưng vẫn còn một số Bộ, ngành chưa quan tâm đến việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri nên chưa trả lời đúng thời hạn với số lượng lớn làm ảnh hưởng đến kết quả của hoạt động giám sát và đại biểu Quốc hội không có thông tin để kịp thời báo cáo với cử tri (Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Y tế; Bộ Công Thương; Bộ Giáo dục và Đào tạo...).
Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành tập trung giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri đúng thời hạn theo quy định của pháp luật.
Về các kiến nghị, ông Dương Thanh Bình đề nghị, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; các đoàn đại biểu Quốc hội nâng cao chất lượng tổng hợp, phân loại, xử lý kiến nghị của cử tri; đảm bảo đúng thẩm quyền xử lý của các cơ quan ở Trung ương; gửi báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri đúng thời hạn theo quy định của pháp luật.
Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành rà soát giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, đảm bảo giải quyết có chất lượng, đúng lộ trình đã báo cáo với cử tri.
Xem thêm:
>>> Thủ tướng: GDP năm 2023 tăng trên 5%, lạm phát khoảng 3,5-4%
>>> Chủ tịch Quốc hội: Lấy phiếu tín nhiệm đảm bảo công tâm, khách quan