Câu trả lời chắc hẳn không chỉ là kết quả từ một cuộc kiểm tra của bộ Giáo dục và Đào tạo.
Phản ứng dữ dội của dư luận xã hội về nghi ngại lãng phí 1.000 tỷ đồng mỗi năm ở Việt Nam vì sách giáo khoa in bài tập, chỉ dùng được một lần đã bước đầu có hiệu quả. Đó chính là quyết định kiểm tra việc in và phát hành sách giáo khoa năm học 2018-2019 tại nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vừa được Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng ký. Được biết, Bộ này đã quyết định thành lập đoàn kiểm tra gồm 4 thành viên để kiểm tra về việc in, phát hành sách giáo khoa tại nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Mừng quá, vì sau thời gian dài im lặng, né tránh trách nhiệm, Bộ chủ quản đã có một quyết định sáng suốt, hợp lòng dân. Mà không quyết định cũng không được, vì người dân, dư luận bức xúc, Đại biểu Quốc hội lên tiếng, phiên họp thứ 27 của ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua “nóng ran” về câu chuyện sách giáo khoa này. Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải thông tin rằng: “Cử tri rất bức xúc”. Bản thân bà cũng đề nghị bộ Giáo dục và Đào tạo sớm xem xét việc này.
Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga thì mang hẳn sách giáo khoa Toán lớp 1 đến với phiên họp của ủy ban Thường vụ và chỉ rõ phần bài tập đi kèm in trong sách khiến những cuốn sách này may chăng sẽ được bà bán đồng nát trưng dụng sau một lần sử dụng. Nhân chứng, vật chứng có cả, việc sách giáo khoa “khuyến mãi” thêm phần bài tập đi kèm để học sinh bắt buộc phải viết trực tiếp vào đó là điều không chối cãi, quanh co được. Thế nhưng, bộ Giáo dục và Đào tạo chưa một lần giải thích thỏa đáng lý do và những góc khuất phía sau câu chuyện này.
Vấn đề cần làm rõ là trách nhiệm của ai? Nếu thực sự có cái độc quyền như dư luận và Đại biểu Quốc hội nghi ngại thì ai bật đèn xanh cho phía nhà xuất bản “làm liều” như vậy – một phương thức tinh vi để hợp thức hóa khiến sách giáo khoa năm nay không thể để lại cho lứa học sinh năm sau sử dụng theo kiểu “chị truyền em nối” như trước đây được. Có lợi ích nhóm trong chuyện in ấn sách giáo khoa để chỉ sử dụng một lần như vậy hay không? Nhóm lợi ích đó là những ai? Kẻ nào chống lưng cho cơ chế độc quyền đó? Cần sớm đưa họ ra ánh sáng để tiếp tục trả lời cho câu hỏi: Vì sao lại có thể cấu kết, qua mặt cơ quan chức năng và ngang nhiên một mình một đường trong sự nghiệp giáo dục quốc dân này? Lợi ích mà họ thu được từ những bộ sách giáo khoa chỉ dùng được một lần này là bao nhiêu – nó liệu có hơn con số hàng chục nghìn tỷ đồng lãng phí nhiều năm qua mà sách giáo khoa dùng một lần đã để lại hậu quả?
Đưa tin tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2018, tôi còn nhớ Thứ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đã có một câu trả lời mang tính chất rất “ngoại giao” khi phóng viên đặt câu hỏi thẳng thắn về việc sách giáo khoa chỉ sử dụng được một lần.
Ông nói rằng: “Các sách bài tập, sách tham khảo có viết trực tiếp lời giải trong sách. Còn sách giáo khoa là sách riêng, đảm bảo có sự luân truyền lâu dài. Bộ cũng chỉ đạo, yêu cầu các sách tham khảo viết trực tiếp vào trong bài là không nên”. Chắc hẳn, vị Thứ trưởng đã không biết đến cuốn sách giáo khoa Toán lớp 1 có in phần bài tập thực hành mà Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã mang đến phiên họp của ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua? Đó là những cuốn sách đang tồn tại và “có trong muôn nhà” như Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đã nói.
Những điều là nguyên tắc thì ai cũng có thể hiểu, nhưng cái lắt léo phía trong dân, đang đục khoét vào túi tiền của mỗi gia đình hằng ngày, hằng năm thì bộ Giáo dục và Đào tạo dường như vẫn cố lờ đi và chưa thực sự muốn hiểu.
Trong sự phát triển chung, nhất là trước một hành trình dài của cuộc cách mạng 4.0, Việt Nam cần sáng tạo, đổi mới và không ngừng vận động để đi đến những đỉnh vinh quang. Giáo dục cũng không nằm ngoài guồng quay đó được, nhất là khi nền giáo dục phản ánh trình độ dân trí của đất nước, sự phát triển của thời đại, chúng ta càng không thể để bị bỏ lại phía sau. Đổi mới giáo dục chưa bao giờ là không cần thiết và nó còn trở nên cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Thế nhưng, đổi mới cần có những bước đi chắc chắn và sự ổn định. Cũng nên làm những thứ đã sẵn có thật tốt hơn là chạy theo đổi mới một cách hô hào hình thức.
Nhiều nước đã dừng gộp bài tập vào sách giáo khoa vì đây là việc làm không hiệu quả, vậy tại sao Việt Nam vẫn tiếp tục làm? Câu trả lời ở đây chắc hẳn không chỉ cần một cuộc kiểm tra của bộ Giáo dục và Đào tạo. Người dân cần nhiều hơn như thế, đó là sự minh bạch, rõ ràng, là giải thích một cách thẳng thắn câu hỏi có độc quyền, lợi ích nhóm trong in ấn, phát hành sách giáo khoa của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hay không.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nhìn thẳng vào sự thật, quyết liệt và thậm chí chịu khều bỏ cái ung nhọt, lợi ích nhóm – nếu có, để có một nền giáo dục khỏe mạnh và lành mạnh.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.