Theo dự thảo thông tư quy định đào tạo liên thông mới đây của Bộ này, các học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp trường đang học muốn thi liên thông sẽ phải thi một hoặc hai môn văn hóa mà Bộ ra đề, thi chung với đợt thi ĐH-CĐ trên cả nước. Thậm chí, để được thực hiện ước mơ liên thông, tối thiểu các học sinh, sinh viên phải đạt tổng điểm ba môn là 15 điểm. Nhiều chuyên gia nhận định, dự thảo trên không những gây khó khăn cho các trường đào tạo hệ liên thông mà còn khiến con đường học hành của nhiều người bỗng dưng tiêu tan.
Nhiều thí sinh sẽ gặp khó với quy định đào tạo liên thông mới. Ảnh minh họa
Rào cản có đủ mạnh để "lọc" trình độ văn hóa thí sinh?
Theo dự thảo thông tư quy định đào tạo liên thông của Bộ GD&ĐT, khi liên thông từ trình độ trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp lên trình độ ĐH, thí sinh dự thi tuyển hai môn văn hóa theo khối thi của ngành thí sinh dự định học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH hệ chính quy hằng năm do Bộ GD-ĐT tổ chức và một môn cơ sở ngành. Còn đối với các trường hợp liên thông từ trình độ trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp lên trình độ CĐ hoặc từ trình độ CĐ nghề, CĐ lên trình độ ĐH, thí sinh dự thi tuyển một môn văn hóa theo khối thi của ngành thí sinh dự định học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH hệ chính quy hằng năm do Bộ GD-ĐT tổ chức và hai môn cơ sở ngành. Tổng điểm ba môn tối thiểu phải đạt từ 15 điểm trở lên.
Sau khi thông tin này được đưa ra, nhiều thí sinh tỏ ra vô cùng hoảng hốt. Bởi, nếu áp dụng quy định này có nghĩa với việc họ phải ôn luyện lại kiến thức từ đầu sau nhiều năm ngắt quãng. Trao đổi với chúng tôi, bạn Nguyễn Thị Hải, sinh viên trường Cao đẳng Nghề Kinh tế Kỹ thuật Vinatex (thuộc Bộ Công Thương) bức xúc: "Theo quy định cũ, các sinh viên muốn thi liên thông lên CĐ - ĐH chỉ cần thi các môn kiến thức chuyên ngành mà bọn em đã theo học ở hệ trung cấp. Theo đó, sinh viên muốn học lên ngành nào chỉ cần học chuyên sâu vào các môn thuộc ngành đó là có cơ hội đỗ. Tuy nhiên, với quy định mới này, khi liên thông lên các trường ĐH, bọn em phải thi thêm hai môn văn hóa học từ hồi phổ thông. Chính vì thế, sinh viên phải học, ôn luyện lại từ đầu. Việc này chẳng khác nào đánh đố thí sinh".
Sinh viên này cho biết, cô học ngành kế toán của trường nghề. Tại trường, sinh viên học nghề nào được đào tạo chuyên sâu về nghề ấy. Sau ba năm không học, bây giờ bắt thi lại môn Toán, Lý, Hóa theo đề thi của Bộ thì chắc chắn chẳng ai có thể nhớ được hết. Ngay vừa học xong lớp 12 còn thi chẳng được mới vào học nghề nay lại thêm lâu ngày không ôn luyện, chắc chắn “liên thông” chỉ là cái bánh vẽ với học sinh trường nghề. Cũng theo Hải, việc các sinh viên đào tạo hệ nghề thì chủ yếu học thực hành là nhiều. Chính vì thế, việc quy định mới trên ban hành phải thi thêm hai môn văn hóa thì chẳng khác nào "cấm tiệt" học sinh thi liên thông.
Cùng cảnh ngộ với Hải, Nguyễn Thành Nam, sinh viên Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội than thở: "Vì điểm thi ĐH không đạt nên chúng tôi mới phải học hệ CĐ. Tuy nhiên, với quy định mới, các thí sinh phải đạt từ 15 điểm trở lên mới có khả năng đỗ thì quả là một điều "không tưởng". Ba năm không được học quy củ các môn khối A thì làm sao chúng tôi thi chung được. Hơn nữa, với đề thi ĐH - CĐ, nhiều người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ nếu việc ôn luyện bị ngắt quãng cũng không thể làm được huống hồ là các sinh viên CĐ, Trung cấp, trưởng nghề vốn đã phải đánh vật khi vừa tốt nghiệp trường mình đang theo học".
PGS.TS Văn Như Cương
Quy định vô lý?
Liên quan đến vấn đề trên một vị chuyên gia của Viện Khoa học Giáo dục (đề nghị giấu tên) đưa ra nhiều ý kiến thẳng thắn: Quy định thi liên thông một số môn cùng với chính quy trong dự thảo thông tư vừa được Bộ GD&ĐT đưa ra là không hợp lý. Thí sinh rất khó để có thể đáp ứng được các yêu cầu đó. Việc vượt qua cánh cửa thi tuyển sẽ khó khăn hơn bao giờ hết. "Thiết nghĩ những người đã là cử nhân, tiến sĩ cũng khó mà thực hiện được chứ chưa nói đến các đối tượng đã tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp hay cao đẳng… Đặt ra mục tiêu đào tạo liên thông nhưng chính quy định này lại khiến học sinh không thể "liên" mà chẳng "thông" được. Quy định này theo tôi quá ngớ ngẩn", vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Cũng theo vị chuyên gia của Viện Khoa học Giáo dục, Bộ GD&ĐT đưa ra yêu cầu thí sinh phải đạt tối thiểu 15 điểm 3 môn chẳng khác nào "đẽo chân cho vừa giày". Trong mỗi kỳ thi, chẳng ai có thể biết trước điểm sàn là bao nhiêu. Bởi nó còn liên quan đến chỉ tiêu tuyển hàng năm, kế hoạch nhân lực, chất lượng thi tuyển, chất lượng ra đề. "Tôi không hiểu tại sao chưa thi mà Bộ GD&ĐT lại có thể đưa ra mức điểm đó để rồi phải tranh cãi. Những người đề ra quy định này có lẽ chưa có trải nghiệm làm giáo dục, không hiểu nhiều về khoa học sư phạm, về những nguyên tắc học ở người lớn tuổi", vị chuyên gia này thẳng thắn bày tỏ.
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, nếu thực hiện theo dự thảo thì công tác phân luồng học sinh coi như phá sản. Muốn phân luồng được học sinh thì phải khơi luồng cho họ. Không nên phân luồng bằng một công cụ giản đơn theo kiểu hành chính hoặc bằng khẩu hiệu. Điều chúng ta cần làm hiện nay là nên khơi luồng bằng cách thiết kế chương trình CĐ, ĐH phù hợp với các đối tượng sau khi tốt nghiệp trung học (vốn có năng lực học tập theo lối hàn lâm bị hạn chế). Bên cạnh đó cũng cần khơi luồng bằng cách mở ra cơ hội việc làm trong thị trường lao động.
Sau khi phân tích những điểm bất cập trong dự thảo thông tư quy định đào tạo liên thông lên CĐ, ĐH, vị chuyên gia này cũng đưa ra một số giải pháp cho vấn đề này. Theo đó, hiện tại Bộ GD&ĐT không nên giao chỉ tiêu như hiện nay mà nên rút bớt chỉ tiêu liên thông lại. Chỉ tiêu ít đi để cho nhiều người cọ nhau mới tốt nghiệp tham gia công tác trước, trau dồi kinh nghiệm thực tế trước khi tiếp tục học lên. Tiếp đó là phải thiết kế một chương trình đào tạo phù hợp với phân tầng giáo dục đại theo hướng nghề nghiệp như tinh thần của Luật giáo dục đại học.
Trên thế giới, các nước triển khai đào tạo liên thông theo hình thức lập hội đồng liên thông bao gồm các trường nghề, CĐ, ĐH. Chẳng hạn, một trường đại học gắn với 4-5 trường nghề cùng ngành để đào tạo theo ngành đó. Hội đồng này thỏa thuận với nhau về chuẩn đầu ra, nội dung chương trình, thời lượng và điều kiện đảm bảo chất lượng. Ví dụ, có thể hai chương trình như nhau nhưng nếu trường nghề nào có điều kiện đảm bảo chất lượng tốt để đầu ra tốt sẽ được miễn trừ 50% còn nếu trường có chất lượng đầu ra không tốt thì sẽ hạ xuống còn 20-30%.
Tuy nhiên, ông Vinh cũng nhấn mạnh do cơ chế tài chính giáo dục đại học hiện nay ở ta còn bất cập (học phí thấp), văn hóa chất lượng thấp, nên rất có thể các trường này “đi đêm” với nhau để gia tăng sức hút đầu vào nhờ hạ thấp chuẩn, do vậy nhà nước cần ban hành quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn khoa học, kiểm soát chặt chẽ để các cơ sở đào tạo không thể lách luật làm liều.
Cũng trao đổi với PV Người đưa tin, TS. Đoàn Văn Vệ, Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, nên giao đào tạo liên thông cho các trường cụ thể. Mỗi trường có ngành nghề khác nhau nên họ biết cách quản lý chất lượng đầu vào. Bộ vẫn có thể yêu cầu các trường kiểm tra kiến thức cơ bản phổ thông sau đó các trường có thể căn cứ vào quy định đó mà ra đề cho thí sinh. Bộ chỉ nên đứng ra quản lý thôi chứ không nên can thiệp quá sâu như thế. Bộ đã chủ động giao quyền tự chủ cho các trường thì cứ nên theo chủ trương chung ấy mà triển khai.
Phạm Hạnh - Văn Chương