Để rộng đường dư luận, chúng tôi đăng phản hồi của Bộ và sẽ phân tích những bất hợp lý trên bản tin tiếp theo.
"Gần đây, Báo Người đưa tin có đăng hai bài của tác giả Hà Thanh liên quan đến việc tổ chức thi chọn học sinh giỏi quốc gia và quy định chọn học sinh vào đội tuyển Olympic khu vực và quốc tế. Bộ Giáo dục và Đào tạo xin được trao đổi nhằm làm rõ thông tin như sau:
1. Về bài báo “Bài thi học sinh giỏi quốc gia được gửi vào email cá nhân” đăng ngày 28/5/2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo xin được giải thích như sau:
Trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 THPT năm 2013, phần thi nói các môn Ngoại ngữ được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Nội dung trả lời câu hỏi của thí sinh được ghi âm và gửi qua mạng về máy chủ trực thi của Bộ. Đồng thời, đề phòng các sự cố về đường truyền, giám thị phải ghi bài thi của từng thí sinh ra đĩa CD, niêm phong và gửi về Bộ. Các đĩa CD dữ liệu này sẽ được mở để chấm bài thi cho thí sinh trong trường hợp có sự cố đường truyền.
Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Ngô Kim Khôi. Ảnh tư liệu
Trong buổi thi ngày 12/01/2013, do sự cố đường truyền, Hội đồng coi thi chọn HSG quốc gia năm 2013 tại tỉnh Bến Tre không gửi được bài thi về máy chủ của Bộ. Cán bộ trực thi của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục là ông Hà Xuân Thành đã hướng dẫn chủ tịch Hội đồng coi thi gửi bài thi của ba thí sinh vào địa chỉ email cá nhân hxthanh@moet. edu.vn.
Theo quy định, các bài thi gửi qua email cá nhân không được sử dụng khi chấm thi. Hội đồng chấm thi HSG quốc gia năm 2013 thực hiện chấm bài thi lưu trong đĩa CD của thí sinh; kết quả, trong số 03 thí sinh nói trên, chỉ có 1 thí sinh đoạt giải khuyến khích, 02 thí sinh còn lại không đoạt giải.
Nhận thấy, sai sót của ông Hà Xuân Thành là do non kém về nghiệp vụ, lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đã yêu cầu giải trình, kiểm điểm và báo cáo lãnh đạo Bộ GDĐT.
2. Về bài báo: 'Loạn lạc' quy định chọn học sinh vào đội tuyển Olympic đăng ngày 04/6/2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo xin được giải thích như sau:
Công văn số 1754/BGDĐT-KTKĐCLGD ngày 18/3/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Công văn số 1754) là văn bản hướng dẫn thực hiện khoản 3 Điều 34 của Thông tư số 41/2012/TT-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia ban hành kèm theo Thông tư số 56/2011/TT-BGDĐT ngày 19 tháng 11 năm 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục là đơn vị giúp bộ trưởng tổ chức tập huấn và chọn đội tuyển học sinh dự thi Olympic quốc tế năm 2013 (đội tuyển).
Tại Công văn số 1754 (không phải văn bản quy phạm pháp luật) Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội triển khai thực hiện việc tập huấn và kiểm tra, đề xuất danh sách để Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục trình Bộ quyết định danh sách học sinh trong đội tuyển (không phải là Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chọn và quyết định). Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng thường xuyên theo dõi, giám sát quá trình này, đồng thời thực hiện toàn bộ các công việc khác liên quan đến tập huấn và báo cáo lãnh đạo Bộ quyết định chọn đội tuyển chính thức".
Thời gian qua, trong các bài báo đăng trên báo Người đưa tin, chúng tôi phản ánh một sự thật là nhiều quy chế, quy định, thậm chí cả những văn bản quy phạm pháp luật mà Bộ GD&ĐT soạn thảo như Thông tư 04 được ban hành một cách vội vã, thậm chí vi phạm pháp luật, tước đoạt quyền của công dân.
Tiếc rằng, cho đến thời điểm này, lãnh đạo Bộ GD&ĐT không công bố công khai hình thức xử lý đối với cá nhân, tập thể tham mưu ra những văn bản quy phạm pháp luật đó.
Có phải việc nhà nước sai thì đình chỉ, ra một văn bản, tác động tiêu cực đến hàng triệu dân chúng, đến hình ảnh của cả nền giáo dục, mà chưa có bất kỳ một công chức nào được thông báo xử lý, là bình thường sao?
Làm cho dân nhờn luật và sau đó thì cho chìm xuồng. Hiện tượng cứ ban hành sai rồi thì sửa, vừa tốn kém tiền của Nhà nước vừa gây hoang mang cho người dân. Đặc biệt việc ban hành văn bản sai còn dẫn đến một hệ lụy: công chúng “nhờn” về hiệu lực của pháp luật. Nếu không có một chế tài nghiêm khắc hơn, việc xử lý trách nhiệm ban hành văn bản sai, bất hợp lý không được tiến hành triệt để, kịp thời thì hiện tượng “cẩu thả” trong việc tham mưu, ban hành văn bản sẽ còn tái diễn. (Xem tiếp). |
Ban Biên tập